Tác động của Covid-19 buộc các doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi để thích ứng. Kéo theo đó, nhà trường cũng phải đổi mới phương thức đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực phù hợp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Brendon Brooker, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, nhận định Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nói chung chứ không riêng gì ngành logistics.
Ông cho rằng: "Khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta mới thấy được các chuỗi cung ứng quan trọng như thế nào, từ việc cung cấp vaccine, vật tư y tế cho đến lương thực, thực phẩm. Covid-19 đã "đánh gãy" các chuỗi cung ứng, gây ra vô số sự cố cung ứng toàn cầu".
Ông Brendon Brooker nhận định, chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực và nhân lực chất lượng cao mới có thể linh hoạt thích ứng và vượt qua những thử thách này.
Ông nói: "Để một ngành kinh doanh có khả năng ứng phó và thích ứng tốt với những thay đổi, thách thức và cơ hội đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực chuyên môn cao và tài năng".
Tham dự hội thảo, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nhu cầu cấp thiết để phát triển ngành logistics Việt Nam.
Ông cho biết Việt Nam đã xác định logistics là 1 trong 12 ngành nghề trọng điểm sẽ được đầu tư mạnh mẽ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, sắp tới Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng 3 trung tâm đào tạo quốc gia đóng ở 3 miền. Các trung tâm này sẽ mang tính dẫn dắt, định hướng đào tạo nhân lực 12 ngành nghề trọng điểm mang tầm quốc gia. Trong đó, cơ sở đào tạo nhân lực ngành logistics sẽ được đầu tư ở trung tâm đặt tại miền Nam.
Tại hội thảo, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam chia sẻ, kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện về thực trạng nguồn nhân lực logistics Việt Nam để xác định các nhóm kỹ năng cần thiết trang bị cho nhân lực ngành này.
Trên cơ sở đó, Viện đề xuất một số nhóm giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics như: Hoàn thiện bộ kỹ năng nghề; nâng cao chất lượng giảng viên qua các chương trình đào tạo quốc tế; cần sự chung tay của 3 Nhà (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp); đào tạo khả năng thích ứng với sự biến động và rủi ro...
Còn GS Hans-Dietrich Haasis (Đại học Bremen, Đức) đề nghị, nghiên cứu và cải thiện chương trình đào tạo logistics dựa trên các xu hướng phát triển lĩnh vực này trên thế giới là số hóa, tự động hóa, điện khí hóa…
Giáo sư Devinder Grewal (Viện Logistics Vận tải và Hàng hải Úc) nhận định: "Tự động hóa và robot được thúc đẩy bởi AI, đòi hỏi sự thay đổi từ nguồn nhân lực. Cần sự phối hợp của Nhà trường, Nhà nước và Nhà doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đào tạo các kỹ năng mới, thích ứng với môi trường thay đổi".
TS Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban truyền thông Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam dẫn giải chi tiết hơn: "Hiện có đến 3 yếu tố chính tác động đến công tác đào tạo nhân lực ngành logictics. Đó là nền công nghệ 4.0, quá trình hội nhập toàn cầu hóa và những biến động rủi ro mang tính hy hữu".
Theo bà, nền công nghệ 4.0 thay đổi từng ngày nên cần lao động ngành này phải giỏi công nghệ, kỹ năng số. Quá trình hội nhập toàn cầu hóa buộc lao động phải am hiểu ít nhất một ngoại ngữ. Những biến động rủi ro tác động đến ngành logistics ngày càng nhiều và Covid-19 chỉ là một trong số đó.
Từ đó đặt ra yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo phải thay đổi phương thức và nội dung đào tạo, cần cung cấp cho người học nhiều kỹ năng hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.