Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 675.000 ca bệnh COVID-19 và trên 12.400 ca tử vong khi bước sang năm mới 2021. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 83,7 triệu ca, trong đó trên 1,82 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 186.000 ca), Brazil (56.003 ca) và Anh (55.892 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.682 ca), Mexico (1.052 ca) và Brazil (1.009 ca).
Khi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành, hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đã trải qua một đêm giao thừa chưa từng có. Hàng chục quốc gia bị phong tỏa, hạn chế hoạt động, áp đặt giờ giới nghiêm để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Nhiều quốc gia đã kêu gọi người dân đón năm mới ở nhà.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân tuân thủ quy tắc phòng dịch và đón năm mới an toàn tại nhà.
Pháp đã triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh để giải tán các bữa tiệc, cuộc tụ tập đông người. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết cảnh sát thực thi nghiêm ngặt giờ giới nghiêm toàn quốc từ 8 giờ tối tới 6 giờ sáng hôm sau để chống tụ tập trái phép và hiện tượng bạo lực. Cảnh sát tăng cường tập trung ở các trung tâm thành phố và các khu vực nhạy cảm.
Tại Mỹ, thành phố New York thông báo Quảng trường Times sẽ đóng cửa. Những ai muốn chứng kiến khoảnh khắc giao thừa ở đây có thể xem trên mạng hoặc TV.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), các sự kiện đón giao thừa cũng giảm quy mô. Các thành phố lớn đều yêu cầu người dân xem pháo hoa và hoạt động lễ hội tại nhà. thành phố như Kaohsiung, Tainan, Taichung, Taoyuan, Chiayi và Keelung đều hủy sự kiện đông người.
Tại Australia, người dân Sydney được yêu cầu ở nhà và tránh xa màn trình diễn pháo hoa nửa đêm nổi tiếng. Phía nam bang Victoria cũng bị hạn chế.
Châu Mỹ
Tại Canada, chính phủ nước này dự kiến sẽ yêu cầu hành khách đến nước này bằng máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi nhập cảnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời điểm Canada áp dụng yêu cầu mới trên.
Trước đó, Nội các Canada đã nhóm họp trong ngày 30/12 sau khi Thủ hiến của một số tỉnh ở nước này chỉ trích các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ liên bang ở biên giới quá lỏng lẻo.
Theo Bộ trưởng An ninh công cộng Canada Bill Blair, quy định về thời hạn cách ly 14 ngày sẽ được duy trì đối với khách nhập cảnh và Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada sẽ bổ sung nhân lực tại các sân bay để đảm bảo hành khách hiểu rõ quy định cách ly. Ông Blair cảnh báo rằng những ai không tuân thủ quy định cách ly có thể phải đối mặt với án tù 6 tháng, hoặc bị phạt tiền lên tới 750.000 CAD (590.000 USD).
Giới chức Canada nhiều tháng qua đã khuyến cáo người dân ở nhà và tránh các chuyến đi không cần thiết để làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, đến nay nước này đã có 580.712 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 15.598 ca đã tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 186.000 ca mắc và 2.682 ca tử vong mới.
Trước đó, ngày 30/12, Mỹ đã ghi nhận 3.927 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca tử vong trong một ngày cao nhất tại Mỹ.
Ngày 27/12 vừa qua, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ông Anthony Fauci cảnh báo Mỹ khả năng chưa vượt qua đỉnh dịch, với số ca tử vong gia tăng ở mức báo động vào mùa Đông và sau kỳ nghỉ lễ. Quốc gia này đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ giữa tháng 12 này. Đến nay, đã có 2,8 triệu người được tiêm, song vẫn còn xa so với mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đề ra là 20 triệu người được tiêm tính đến cuối năm nay.
Bộ Y tế Brazil thông báo đã ghi nhận thêm 1.009 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 194.949 ca. Trong khi đó, số ca mắc tại Brazil tăng thêm 56.003 ca lên trên 7,6 triệu ca.
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 12.406 ca mắc và 1.052 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca lần lượt lên 1.413.935 và 124.897 ca.
Tại Peru, giới chức nước này đã cảnh báo công dân không được mất cảnh giác trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang hoành hành. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Violeta Bermudez đã kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ do Bộ Y tế ban hành, như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay và tránh tập trung đông người. Người đứng đầu Chính phủ Peru cũng thể hiện lo ngại về các hoạt động xã hội được nới lỏng hơn trong kỳ nghỉ lễ cuối năm khi mà số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên 1.012.614 ca.
Châu Á
Tokyo (Nhật Bản) lần đầu có trên 1.300 ca nhiễm/ngày
Ngày 31/12, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cho biết đã phát hiện thêm trên 1.300 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, cao gần gấp rưỡi mức kỷ lục trước đó (949 ca) ghi nhận hôm 26/12. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1.
Số ca nhiễm mới gia tăng đột biến ở Tokyo và một số tỉnh, thành của Nhật Bản sau khi nước này phát hiện các ca nhiễm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh và Nam Phi và được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Ngày 30/12, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã kêu gọi người dân thành phố ở nhà càng nhiều càng tốt trong kỳ nghỉ Năm Mới để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ cuối năm và Năm Mới, nếu không, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác phải đề nghị chính quyền trung ương ban bố tình trạng khẩn cấp”. Bà Koike cho rằng những gì người dân Tokyo làm trong kỳ nghỉ này sẽ quyết định tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Trung Quốc sẽ cung cấp vaccine miễn phí cho toàn dân
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 31/12 cho biết nước này sẽ cung cấp vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho toàn dân. Phó Chủ tịch NHC cho biết: "Mọi công dân Trung Quốc sẽ được tiêm miễn phí... nhằm tạo một hàng rào miễn dịch toàn dân để kiểm soát dịch bệnh". Theo quan chức này, để đạt mục tiêu trên cần 60-70% dân số được tiêm phòng.
Vaccine được sử dụng trong chiến dịch này do công ty Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc phối hợp với Sinopharm sản xuất.
Các thành phố lớn ở Ấn Độ ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm
Tại Ấn Độ, thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác trên cả nước ngày 31/12 đã ban hành lệnh giới nghiêm vào đêm Giao thừa nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới.
Tại New Delhi, lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 2 ngày từ 23h đêm đến 6h sáng hôm sau, đồng thời hạn chế tập trung đông người với tối đa 5 người ngay cả trước khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực. Những năm trước, hàng chục nghìn người thường tập trung tại trung tâm thủ đô New Delhi để đón mừng Năm mới.
Trong khi đó, thủ phủ tài chính Mumbai và các thành phố lớn khác tại bang Maharashtra cũng ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm đến ngày 5/1/2021. Các bang Rajasthan, Uttarakhand (hai khu vực đều thu hút số lượng lớn du khách nước ngoài vào dịp nghỉ lễ cuối năm), cùng với Tamil Nadu, Gujarat và Karnataka cũng đều áp đặt lệnh giới nghiêm vào dịp Năm mới.
Ấn Độ hiện ghi nhận trên 10,2 triệu ca nhiễm, cao thứ 2 thế giới sau Mỹ (với trên 20 triệu ca), trong đó hơn 149.018 ca tử vong do COVID-19.
Châu Âu
CH Séc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất
Trong ngày 31/12, Bộ Y tế Séc cho biết số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở nước này đã tăng cao kỷ lục với 16.939 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 718.661 ca, trong đó 11.580 ca tử vong.
Hiện quốc gia Trung Âu gồm 10,7 triệu dân này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trong khu vực.
Ireland thắt chặt các biện pháp hạn chế
Thủ tướng CH Ireland Micheal Martin thông báo sẽ duy trì biện pháp phòng dịch COVID-19 ở mức cao nhất là cấp độ 5 trong ít nhất 1 tháng, đồng thời cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm virus tại nước này đang gia tăng “theo cấp số nhân”.
Theo đó, từ đêm 30/12, người dân được khuyến cáo nên ở nhà, trừ những trường hợp ra ngoài vì mục đích học tập, làm việc và các mục đích thiết yếu khác. Người dân cũng được yêu cầu hạn chế tụ tập, bao gồm cả các sự kiện mừng Năm mới, nhưng một số đám cưới và đám tang với ít người dự vẫn có thể được tổ chức. Từ tối 31/12, các cửa hàng bán lẻ mặt hàng không thiết yếu và các phòng tập thể dục phải đóng cửa. Các trường học sẽ mở cửa trở lại từ ngày 11/1/2021, muộn hơn 3 ngày so với kế hoạch ban đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ Ireland cũng gia hạn đến ngày 6/1/2021 đối với lệnh cấm hành khách từ Anh nhập cảnh vào nước này.
Thủ tướng Martin nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay tại Ireland “cực kỳ nguy hiểm” và các biện pháp giãn cách xã hội được công bố ngày 22/12 vừa qua và dự kiến kéo dài đến ngày 12/1/2021 không còn đủ để khống chế dịch. Số ca mắc trong tuần qua tại Ireland tăng 61% so với tuần trước đó. Đến nay, quốc gia gần 5 triệu dân này đã ghi nhận 2.237 ca tử vong trong số trên 91.700 ca mắc.
Thụy Điển khuyến cáo dân đeo khẩu trang
Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển lần đầu tiên ban hành khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi đi các phương tiện công cộng, nhưng chỉ áp dụng vào giờ cao điểm trong tuần.
Theo hướng dẫn mới, những người từ 16 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang khi đi các phương tiện công cộng trong thời gian từ 7h - 9h và 16h – 18h vào các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Cơ quan trên cũng khuyến cáo các công ty vận hành phương tiện công cộng cung cấp khẩu trang miễn phí cho những người đi vé tháng, hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang đúng cách và vứt khẩu trang đã sử dụng một cách an toàn. Thụy Điển ghi nhận tổng cộng 437.379 ca mắc và 8.727 ca tử vong.
Anh mở rộng phạm vi áp dụng lệnh giãn cách xã hội ở mức cao nhất
Từ ngày 31/12, Chính phủ Anh sẽ mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất tại vùng England để phòng dịch COVID-19.
Theo thông báo ra ngày 30/12, từ 0h01 (giờ địa phương) ngày 31/12, Anh sẽ áp dụng biện pháp phòng dịch ở cấp độ 4 đối với hầu khắp các khu vực Trung, Tây Nam, Tây Bắc và Đông Bắc England với tổng cộng hơn 44 triệu người – tương đương 75% dân số vùng England. Theo đó, tất cả các cửa hàng không thiết yếu, tiệm làm tóc, địa điểm vui chơi và giải trí tại các khu vực này phải đóng cửa và người dân được khuyến cáo nên ở nhà, trừ một số ngoại lệ nhất định.
Hiện London và các vùng lân cận đã áp dụng biện pháp hạn chế ở cấp độ 4. Trong khi đó, gần như toàn bộ các khu vực còn lại của nước Anh sẽ thực hiện giãn cách xã hội ở cấp độ 3, tức là đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ và hạn chế các gia đình tụ tập.
Chính phủ Anh đang siết chặt biện pháp hạn chế để phòng dịch bệnh trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khiến số ca mắc gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ngày 31/12, giới chức y tế Anh ghi nhận thêm 55.892 ca mắc trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc tại đây lên trên 2,48 triệu ca. Nước Anh cũng công bố thêm 964 ca không qua khỏi do COVID-19.
Na Uy yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với người nhập cảnh
Từ ngày 2/1/2021, tất cả hành khách tới Na Uy sẽ phải sẽ phải làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh.
Bộ Tư pháp Na Uy ngày 31/12 đã công bố quyết định trên như biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh. Theo đó, mọi du khách tới Na Uy sẽ phải qua các điểm nhập cảnh quy định – nơi có trạm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, các cửa khẩu nhỏ hơn sẽ bị đóng.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết nếu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào Na Uy, nước này có thể phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn xã hội.
Na Uy đã cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh từ ngày 21/12 sau khi có thông tin biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên VUI-202012/01 đang lây lan mạnh. Lệnh cấm này có hiệu lực tới ngày 2/1/2021.
Hà Lan có thể kéo dài lệnh phong tỏa
Giới chức y tế Hà Lan cho biết lệnh phong tỏa toàn quốc tại nước này có thể sẽ phải kéo dài cho tới ít nhất giữa tháng 2 và thậm chí sau đó chỉ có thể được dỡ bỏ một phần.
Trao đổi với báo giới, ông Jaap van Dissel, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế cộng đồng quốc gia Hà Lan cho biết có khoảng 2 triệu người Hà Lan đã mắc COVID-19. Ông van Dissel nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ bắt đầu tiêm chủng vaccine vào tháng 1 và liều thứ 2 vào tháng 2. Từ đó, việc nới lỏng phong tỏa có thể được áp dụng cho những người đã tiêm vaccine". Giới chức Hà Lan sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là xác định hình thức nới lỏng phong tỏa.
Từ giữa tháng 12, Hà Lan đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt lần thứ 2 với việc đóng cửa toàn bộ cửa hàng và trường học, theo kế hoạch ban đầu là trong 5 tuần.
Australia áp dụng các hạn chế mới phòng ngừa dịch bệnh
Người dân Australia sẽ bước vào năm mới 2021 với các hạn chế đi lại mới và lời cảnh báo giữ an toàn để ngăn ngừa bệnh dịch tái bùng phát trên diện rộng trong bối cảnh có lo ngại ngày càng tăng về các ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở hai bang lớn nhất nước này.
Trong ngày 30/12, New South Wales (NSW), bang đông dân nhất Australia đã ghi nhận thêm 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 5 ca có nguồn gốc từ vùng ven biển phía Bắc thành phố Sydney, nâng tổng số ca lây nhiễm tại đây lên 144. Số ca còn lại thuộc về ổ dịch mới ở phía Tây thành phố Sydney.
Trong khi đó, tại bang Victoria, bang đông dân thứ hai, cho đến sáng ngày 31/12 đã ghi nhận thêm 5 ca dương tính với COVID-19, bên cạnh 3 ca khác được phát hiện trong ngày hôm trước, chấm dứt chuỗi 60 ngày liên tục vắng bóng virus SARS-CoV-2. Giới chức bang này nghi ngờ rằng cả 8 ca trên đều liên quan đến ổ dịch tại Sydney.
Trước tình hình trên, hai bang Victoria và Nam Australia đã tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với NSW từ đêm ngày 1/1/2021, trong khi bang Tây Australia đã đóng cửa biên giới với NSW và sắp tới có thể là cả với bang Victoria. Tại Queensland, chính quyền bang này cho biết đang theo dõi rất chặt chẽ đợt bùng phát dịch bệnh tại NSW.
Châu Phi
Bộ Y tế Nam Phi cho biết nước này có thêm 17.710 ca nhiễm mới trong ngày 30/12, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, cao hơn mức kỷ lục ghi nhận cách đây vài ngày với khoảng 14.500 ca. Hiện tổng số ca bệnh tại Nam Phi tăng lên 1.057.161 ca, trong đó 28.469 ca tử vong.
Nam Phi hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu Phi và đang phải nỗ lực ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm mới tăng vọt kể từ cuối tháng 11 vừa qua, chủ yếu do sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên là 501.V2. Điều này đã gây căng thẳng cho hệ thống y tế, trong đó một số bệnh viện rơi vào tình trạng quả tải, khiến Chính phủ Nam Phi phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.