Quyết liệt chỉ đạo
Để có sự chuyển biến rõ nét trong công tác BĐG luôn đòi hỏi phải có chủ trương nhất quán, những chương trình hành động phù hợp và thiết thực nhằm hướng đến các đối tượng thụ hưởng và tác động.
Đối với TP.HCM, để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ Luật Bình đẳng giới, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động “Thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” gắn với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố trong cùng giai đoạn 2007-2017.
Theo đó, TP.HCM xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế xã hội. Kèm theo đó là HĐND, UBND đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo trong trong công tác BĐG. Đặc biệt, UBND TP.HCM đã có Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đặc biệt quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BĐG nhằm từng bước thực hiện các giải pháp thúc đẩy BĐG ở các khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó, vấn đề bình đẳng giới trong thông tin, giáo dục, truyền thông là vấn đề thành phố coi trọng.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và quận, huyện được giao chủ trì đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới từ thành phố đến cơ sở với hình thức và chủ đề đa dạng, phù hợp ngành nghề, nhóm đối tượng, địa bàn dân cư. Các hoạt động truyền thông được gắn kết chặt chẽ thành chuỗi hoạt động có trọng tâm, trọng điểm và nối tiếp nhau trong từng đợt, từng tháng với các chủ đề, nội dung được các ngành, các cấp thực hiện sáng tạo nhằm thúc đẩy BĐG trong ngành, lĩnh vực.
Triển lãm ảnh: “Những người phụ nữ quanh ta - nam giới quan tâm và chia sẻ” đã thu hút đông đảo người dân TP.HCM tham dự.
Những kết quả chuyển biến
Kết quả nổi bật và đáng kể nhất trong công tác BĐG của TP.HCM đó là BĐG trong lĩnh vực chính trị. Tiêu chí này đã được TP.HCM xác định là thước đo quan trọng nhất về mức độ bình đẳng của nam và nữ trong việc tham gia quản lý Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội. Điều đó thể hiện rõ nét trong bản Kế hoạch của Thành ủy về Quy hoạch nguồn nhân sự cấp ủy và cán bộ lãnh đạo cho Khóa X và kế hoạch cho các năm dài hạn mà trong đó tỷ lệ nữ tham gia phải đạt 30% trở lên, tiến tới đến năm 2025 không dưới 40% trong quy hoạch cấp ủy, Ban thường vụ cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp.
Theo thông báo của Thành ủy thì trong danh sách 356 người được quy hoạch mở (đợt 1) nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo để giới thiệu nguồn cán bộ cho các cơ quan đơn vị đề xuất trong quy hoạch, nữ giới có 162 người, chiếm tỷ lệ 45,5%.
Một kết quả khác cũng rất đáng ghi nhận trong công tác BĐG của TP.HCM, đó là BĐG trong lĩnh vực kinh tế. Với vai trò dẫn đầu về nguồn lực kinh tế trong cả nước, trong quá trình phát triển, TP.HCM đã đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 về “Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động”.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng luôn xác định, khoảng cách về giới trong lĩnh vực kinh tế là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến vị thế không bình đẳng giữa nữ và nam; Vấn đề việc làm, có thu nhập ổn định là điều kiện và tiền đề quan trọng để xác lập sự độc lập về kinh tế, đảm bảo cho cả nam và nữ có cuộc sống bình đẳng trên mọi phương diện. Từ đó, thành phố đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai các chương trình kết nối doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có được nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng được vốn kinh doanh; bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ máy móc thiết bị, công nghệ, mặt bằng sản xuất.
Ước tính, trong 10 năm qua, trong tổng số doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới thì có khoảng 65.000 doanh nghiệp do nữ làm đại diện theo pháp luật, chiếm tỷ lệ 31,23%, với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động như: bán buôn, bán lẻ, chế biến, chế tạo... Và đây chính là bước chuyển biến tích cực trong việc giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Lê Mạnh/TC GĐ&TE