TP Hồ Chí Minh có thể được xem là nơi khởi xướng chương trình đền ơn đáp nghĩa - một chương trình mang ý nghĩa vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài, đã trở thành chương trình hành động của cả nước.
Theo ông Lê Minh Tấn – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thời gian qua, song song với công tác thực hiện chính sách chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, nhân dân đồng tình hưởng ứng. TPHCM đảm bảo giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho 100% trường hợp là thương binh, người có công cách mạng và gia đình liệt sĩ, không để tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện; đảm bảo 100% hộ gia đình chính sách có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đặc biệt, TP không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Về chăm sóc sức khoẻ, tất cả người có công đều có bảo hiểm y tế, được ưu tiên khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế. Để nâng cao đời sống cho các gia đình chính sách, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định thì công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở được TPHCM xem như là bước đột phá và luôn được cấp ủy, chính quyền từ cấp TP đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, TPHCM cơ bản không còn hộ gia đình chính sách có công không có nhà ở hoặc nhà ở hư hỏng nặng mà không có điều kiện sửa chữa. Ông Tấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, phong trào "đền ơn đáp nghĩa" mà trọng tâm là "phong trào xây dựng nhà tình nghĩa" từ năm 1989. Được liên tục duy trì, hợp với lòng dân nên phong trào đã nhanh chóng lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu, số lượng đơn vị, địa phương tham gia tăng dần theo từng năm và huy động được sức đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời trở thành một phong trào chung của nhân dân cả nước.
Ngoài chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng, Thành ủy, UBND Thành phố đã thống nhất chủ trương huy động nguồn lực xây nhà tình thương tặng hộ nghèo. Chủ trương được triển khai với căn nhà tình thương đầu tiên được trao tặng hộ bà Lê Thị Ú ở xã Phước Hiệp (Củ Chi) vào năm 1998. Chỉ 3 năm sau, hơn 6.500 căn nhà tình thương đã ra đời, ưu tiên trao tặng những gia đình khó khăn về nhà ở.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết: Thông qua nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo, 20 năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố đã góp phần xây dựng hơn 30.208 căn nhà và sửa chữa hơn 17.327 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng hơn 11.020 phương tiện đi học, hơn 2.000 phương tiện làm ăn cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê cuối năm 2020, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố đã phụng dưỡng đến cuối đời 208/208 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống với mức hỗ trợ từ 2 - 8 triệu đồng/mẹ/tháng; hỗ trợ thường xuyên cho 37/37 thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn và 42/42 thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 2 triệu đồng trở lên/thương binh/tháng.
Cùng với nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, Chăm lo gia đình chính sách để hướng đến sự phát triển đồng bộ, bền vững, TP Hồ Chí Minh cũng chăm lo đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, có các chương trình, đề án nâng cao chất lượng đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần.