Tính từ 18 giờ 30 ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.739 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 21/7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 39.500 trường hợp mắc COVID-19.
Từ ngày đi vào hoạt động (26/6) đến nay, tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 đặt tại Ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã có 1.712 bệnh nhân được xuất viện (trong đó 190 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với chỉ số nồng độ vi-rút thấp CT ≥ 30, tiếp tục về điều trị cách ly tại nhà). Song song đó, tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng ghi nhận 106 bệnh nhân nặng đang hồi phục. Đây là tin vui giữa lúc tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất căng thẳng.
Vaccine được nhận định là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả. Đối với vấn đề tiêm chủng trong giai đoạn hiện nay, Thành phố ưu tiên tập trung vào đối tượng, mà không tập trung vào vùng tiêm chủng, ưu tiên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho người dân. Khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5 với nhiều loại vaccine được phân bổ, Thành phố cần cân nhắc về việc tiêm trộn hay thống nhất 1 loại vaccine.
Trong 2 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Thành phố đã có giảm nhưng vẫn chưa thật sự khả quan. Trong 7-10 ngày tới, đỉnh dịch có đạt được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và sự đồng hành, chung sức của người dân trong việc thực hiện siết chặt hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”, tuân thủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các quy định của khu phong tỏa, khu cách ly và tiêm vaccine khi đến lượt mình.
TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhân dân 115, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chia sẻ, dù mới đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng bệnh viện đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận khi đã “chuyển loại” thành công cho 106 bệnh nhân nặng trở về mức độ vừa và nhẹ.
“Trong 106 bệnh nhân chuyển nhẹ có 67 bệnh nhân không cần thở oxy, 39 bệnh nhân còn thở oxy gọng kính, để làm được điều đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả tập thể các nhân viên của Bệnh viện trong thời gian rất ngắn vừa qua”. TS.BS Đỗ Quốc Huy chia sẻ thêm.
Theo chiến lược “Tháp 4 tầng” trong điều trị COVID-19 tại TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường được đặt tại khu điều trị nội trú bệnh viện ung bướu cơ sở 2 chịu trách nhiệm điều trị cho các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, đây được xem là chốt chặn cao nhất trong công tác điều trị COVID-19 tại TP.HCM.
TS.BS Nguyễn Tri Thức Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 cho biết: Quy mô 1.000 giường điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được triển khai theo từng giai đoạn, tính đến thời điểm hiện tại bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 249 bệnh nhân; Trong tuần này hoàn thành giai đoạn 1 với khả năng tiếp nhận 460 bệnh nhân, trong tuần kế tiếp sẽ nâng công suất tiếp nhận lên mức 700 giường và tiếp tục có kế hoạch nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.
“Theo tiến độ nâng cao khả năng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân, công tác nhân lực cũng được triển khai tương ứng. Trong giai đoạn hiện tại, bệnh viện đang có tổng số 651 nhân viên đến từ BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115, BV Thống Nhất, BV Ung bướu, BV 71 Trung ương, BV 74 Trung ương, các Sở Phú Thọ, Hải Phòng. Trong giai đoạn 1 nâng công suốt lên 460 giường, BV đã gửi yêu cầu nhân lực cho Sở Y tế TP.HCM để tiến hành hỗ trợ, bổ sung. Với công suất 700 giường, BV đã gửi yêu cầu đến Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM để xin bổ sung nhân lực”- TS.BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm.