Đây là thông tin được ban tổ chức đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu chương trình nghệ thuật và trình diễn áo dài mang chủ đề “Nơi tôi sinh ra” do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức.
“Nơi tôi sinh ra” là chủ đề sự kiện thời trang và nghệ thuật, với 18 nhà thiết kế kể câu chuyện nguồn cội, văn hóa dọc dài đất nước trên những bộ áo dài mới nhất để chào mừng năm 2024.
Tại buổi họp báo, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đêm trình diễn “Nơi tôi sinh ra” vào tối 5/1 đã khẳng định thương hiệu trong giới thời trang Việt Nam.
Nhà thiết kế Thanh Thúy cho biết sẽ kể câu chuyện Điện Biên trên các mẫu thiết kế của mình. Hình ảnh hoa ban tượng trưng cho đất trời Tây Bắc và người con gái Thái như đại diện cho linh hồn của loài hoa sẽ là chủ điểm trên các tà áo dài.
"Tôi muốn kể cho cộng đồng về một Điện Biên hào hùng, anh dũng ngày xưa và một cảnh sắc yên bình, trù phú ngày nay, như lời tri ân và biết ơn với mảnh đất đã sinh ra mình", Thanh Thúy nói.
Tại đây, nhà thiết kế Minh Hạnh, Cao Minh Tiến, Ngọc Hân, Duy Nguyễn, Huệ Thi, Chế Quyết Tiến, Giang Đoàn, Trịnh Bích Thủy… sẽ giới thiệu những bộ sưu tập áo dài truyền thống mới nhất. Thông qua các bộ sưu tập, các nhà thiết kế thời trang sẽ kể câu chuyện về vẻ đẹp trên khắp các vùng miền đất nước.
Đáng chú ý, trong đó, có một số nhà thiết kế lấy cảm hứng từ mảnh đất Thăng Long văn hiến, tạo nên họa tiết cuốn hút cho bộ sưu tập. Điển hình như, NTK Cao Minh Tiến, Trịnh Bích Thủy…
Nhà thiết kế Ngọc Hân với bộ sưu tập thế hiện niềm yêu thích những bộ tranh dân gian truyền thống như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng. .
Hay nhà thiết kế Huệ Thi với bộ sưu tập áo dài độc đáo kể về quê hương xứ Quảng với ký ức tuổi thơ lam lũ, tô mỳ Quảng và tình cảm gia đình thiêng liêng. Nhà thiết kế Laura - Chula thông qua bộ sưu tập mô tả hành trình của Diego và Laura từ hai ngôi nhà thân yêu của họ là Tây Ban Nha và Việt Nam...
Trong khi đó, nhà thiết kếCao Minh Tiến lựa chọn "Ký họa Hà Nội" để ghi, chép lại những điều đẹp nhất mà anh muốn nói về nơi đây.
Còn với Trịnh Bích Thủy là kỷ niệm tuổi thơ, về chiếc áo bông chần, kết nối các thế hệ, kết nối truyền thống và hiện tại. Các thiết kế của nhà thiết kế Phương Thảo lại là hình ảnh của những gánh hàng rong và phố cổ rêu phong...
Còn nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, với mỗi người dù sinh ra nơi đâu cũng để lại dấu ấn không thể quên. Khi người ta tìm về tận cùng thẳm sâu trong mỗi con người vào những giờ khắc cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị đón năm mới thì giá trị đạo học, đạo lý tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng tôn lên ý nghĩa của chương trình.
Bởi cái đẹp mà không có đạo lý thì không thể bền vững. Với không gian biểu diễn là Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đậm sắc màu văn hóa, chương trình càng được tôn lên vẻ đẹp và giá trị cần biểu đạt.
Nguyễn Thanh