Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

4 trường hợp được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm trước thông quan

Theo đó, Nghị định 85 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nêu rõ ngoài áp dụng theo các quy định chuyên ngành, Điều ước quốc tế, Nhà nước áp dụng miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm trước khi thông quan với 4 trường hợp.

Cụ thể, các trường hợp được miễn kiểm tra gồm: trường hợp hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế; hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế phục vụ cho công tác, sinh hoạt của tổ chức được miễn trừ ngoại giao; hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và trường hợp hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế.

4 trường hợp được miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm trước thông quan - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn miễn kiểm tra về chất lượng hàng hóa trước khi thông quan đối với 3 trường hợp sau: Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế; hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế và trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.

Nghị định 85 cũng nêu rõ các loại hàng hóa nói trên không được miễn kiểm tra nếu, các cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan bệnh dịch, gây nguy hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia. Hoặc có văn bản dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.

Trước đó việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (Điều 13). Việc miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thực hiện theo quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 (Khoản 7 Điều 1) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tuy nhiên, quy định về miễn kiểm tra tại các văn bản này còn thiếu so với yêu cầu của thực tiễn (chưa điều chỉnh cho một số loại hình, trường hợp nhập khẩu tương tự), còn có nội dung chưa rõ dẫn đến vướng mắc khi thực hiện.

Bên cạnh đó quy định về mức miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hành lý của người nhập cảnh tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Nghị định 74/2018/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 có nội dung không thống nhất.

Do đó, để thống nhất việc miễn kiểm tra chuyên ngành, đồng bộ, minh bạch trong việc áp dụng, tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP đã điều chỉnh các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành.

Để bảo đảm Nghị định 85 được thực hiện thống nhất ngay từ khi có hiệu lực thi hành, bà Lê Như Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, cho biết Bộ Tài chính đã có công văn đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu nội dung Nghị định 85 để triển khai thực hiện, bảo đảm thực hiện đúng, kịp thời khi có hiệu lực thi hành.

Theo đó, các bộ, quản lý ngành lĩnh vực có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia các thông tin, như danh mục hàng hóa đã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định; danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định; các thông tin liên quan đến cơ quan kiểm tra chuyên ngành; danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được thừa nhận phục vụ quản lý nhà nước theo điều ước quốc tế…

Đặc biệt, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân trong kiểm tra chuyên ngành nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh; thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra.