Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung
Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ - tạo được niềm tin và dấu ấn toàn dân
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 vẫn duy trì được.
Đối với ngành LĐTBXH, trong 6 tháng đầu năm cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Dịch COVID-19 có giai đoạn đã diễn biến rất nhanh, gây khó khăn cho dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của Nhân dân, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 2 đến hết tháng 4 và đầu tháng 5/2020.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới tháng 6, Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi COVID-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ) năm 2019. Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động.
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH tham gia Hội nghị.
Trong bối cảnh khó khăn chung, toàn Ngành đã tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; đồng thời, có các giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp hỗ trợ người lao động, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Các địa phương và trung ương đã rất năng động trong việc khắc phục tình hình. Doanh nghiệp cố gắng chia sẻ với người lao động và ngược lại. Nhiều ngành nghề đã dần khôi phục.
Trong tình hình đó, Bộ cũng đã tham mưu với Đảng và Nhà nước về gói an sinh 62.000 tỷ đồng. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ. Tới nay, các địa phương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ 15,8 triệu người, tương ứng với số tiền hỗ trợ hơn 11.000 tỷ đồng (tới ngày 30/6). Bên cạnh đó, nhiều quy định về việc thực hiện tạm dừng đóng BHXH đã sớm được triển khai, thực hiện các chính sách BHTN trên 6.000 tỷ đồng, bằng 180 % so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các chính sách khác của Bộ cũng được hiện đồng bộ, như công tác người có công, việc làm, giảm nghèo, bảo vệ trẻ em... đã có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có những điều chỉnh uyển chuyển trong triển khai đào tạo trực tuyến.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Càng khó khăn, chúng ta càng sáng tạo, càng quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chương trình, đề án, chính sách về lao động, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, trợ giúp xã hội, giảm nghèo… góp phần ổn định, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Về cơ bản chúng ta đạt chỉ tiêu, niềm tin của dân với sự lãnh đạo của đảng, nhà nước, với ngành tăng lên”.
Trên cơ sở kết quả thực hiện mục tiêu kép về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn cho nhân dân trước đại dịch, tình hình kinh tế - xã hội nói chung dần ổn định trở lại, sản xuất - kinh doanh được khôi phục, nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động (theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. Qua đánh giá, trừ một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động - việc làm bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch COVID-19 nên đạt thấp so với cùng kỳ, các chỉ tiêu khác của Ngành 6 tháng đầu năm đạt ở mức khá, có khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trình bày Báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Toàn ngành kiên trì, kiên quyết thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu ưu tiên để các địa phương phát biểu, nêu khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; các Cục, Vụ tập trung giải đáp, với mục tiêu giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Về nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng yêu cầu tinh thần chung là không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch năm 2020; toàn ngành kiên trì, kiên quyết thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ để có các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội kịp thời, hiệu quả. Đi đôi với việc ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế, thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý công tác 6 tháng cuối năm 2020, ngành cần chú trọng công tác xây dựng thể chế, hoạch định các chương trình mục tiêu (nếu còn). Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, sắp tới sẽ có những điều chỉnh về NQ 42/2020/NQ-CP và QĐ 15/2020/QĐ-TTg theo hướng thêm đối tượng nhưng không để nguồn kinh phí chi vượt mức.
Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý việc cần làm tốt công tác tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đẩy nhanh việc khắc phục dứt điểm tên trên bia mộ vẫn còn ghi "liệt sĩ vô danh", tiếp tục gói an sinh 62.000 tỷ đồng có hiệu quả, công tác triển khai và giám sát trên toàn quốc…
Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành các tháng cuối năm là:
1. Tập trung hoàn thành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ; đặc biệt là Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) các văn bản hướng dẫn, quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Bộ luật Lao động.
2. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt lao động hoặc ngừng hoạt động, phá sản.
3. Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành. Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.
5. Tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các hoạt động của Bộ trong năm Chủ tịch ASEAN theo kế hoạch, đặc biệt các hoạt động của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban và chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam.
6. Tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn đến năm 2020; nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, chính sách cho giai đoạn 2021-2025. Tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm 2021-2025 và năm 2021 thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đảm.
7. Đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền, chủ động cung cấp và tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin và phản hồi về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
8. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở các cấp và các địa phương nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2020 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Vân Nhi/ GĐTE