Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

6 tháng đầu năm: Toàn ngành LĐ-TB&XH nỗ lực rất lớn, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành

(Dân sinh) - “Trong bối cảnh ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, toàn ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực rất lớn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. Dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành.

6 tháng đầu năm: Toàn ngành LĐ-TB&XH nỗ lực rất lớn, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị

Toàn ngành đã nỗ lực rất lớn

Sáng nay 14/7 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trực tuyến Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị.

Tham dự, có các Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh; Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi

Cùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Huỳnh Văn Thuận,… đại diện các bộ, ban, ngành và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến cho từ năm 2020 đến nay, đặc biệt từ đợt dịch thứ tư ảnh hưởng sâu rộng, nặng nề đến lao động việc làm.

Nhưng, điều quan trọng hơn, theo Bộ trưởng, là đợt dịch thứ 4 này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Chưa hết, theo Lãnh đạo Bộ, tình trạng người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, tỷ lệ người hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cũng gia tăng… và dự báo sẽ không chỉ dừng lại như hiện nay mà còn tiếp tục gia tăng.

"Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết và nhấn mạnh, vì thế tại Hội nghị này, Lãnh đạo Bộ đề nghị các đại biểu ,đại diện các địa phương tập trung cho biết việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

6 tháng đầu năm: Toàn ngành LĐ-TB&XH nỗ lực rất lớn, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị

Kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68

Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, trong 6 tháng, nhất là ảnh hưởng từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống Kinh tế - Xã hội.

"Vượt lên những khó khăn do dịch bệnh gây ra, 6 tháng đầu năm 2021 ngành LĐ-TB&XH đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng cho biết, căn cứ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 và các thông báo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, đảm bảo các nguyên tắc:

Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; các chính sách hỗ trợ đảm bảo khả thi, hiệu quả, thiết thực để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận dựa trên các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ rõ ràng. Ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn lực và thực hiện phân cấp theo quy định để phát huy tính chủ động, tích cực và linh hoạt trong xử lý của các cấp, các ngành và các địa phương.

6 tháng đầu năm: Toàn ngành LĐ-TB&XH nỗ lực rất lớn, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị ở các điểm cầu

Ứng phó tốt với dịch, lao động tăng so với cùng kỳ năm ngoái

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện theo từng lĩnh vực của ngành trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy những nỗ lực lớn trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Nhìn chung, theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, đến hết quý II, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

Lĩnh vực lao động việc làm: Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Lê Tấn Dũng cho biết, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch COVID-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực; và sự bùng phát lần thứ tư của đại dịch đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã kịp thời có Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 14/5/2021 về tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài tại địa phương; không để sót, để lọt người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp; kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương đúng quy định.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu, nộp phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2021.

Với những chỉ đạo kịp thời, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.602 lao động, đạt 45,11% kế hoạch. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

6 tháng đầu năm: Toàn ngành LĐ-TB&XH nỗ lực rất lớn, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành - Ảnh 4.

Ưu tiên đào tạo, đào tạo lại cho lao động ảnh hưởng COVID-19

Về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp: Đảm bảo phòng chống dịch, hệ thống GDNN đổi mới phương thức tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn.

"Đồng thời đảm bảo các điều kiện phòng, chống COVID-19 cho học sinh, sinh viên GDNN khi đi học trở lại", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Cùng với đó, đổi mới truyền thông, gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề, kế hoạch truyền thông GDNN năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, nhanh chóng tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tại các địa phương, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí năm 2021 hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trước mắt, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ước tuyển sinh 6 tháng đầu năm là 645.000 người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021).

Phát triển đối tượng tham gia BHXH: Ước 6 tháng đầu năm tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt trên 34%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28%.

Báo cáo cho thấy, trước tình hình đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực với mọi mặt của đời sống xã hội, BHXH Việt Nam và Tổng Cty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đổi mới tuyên truyền để tiếp cận người dân, đặc biệt đảm bảo an toàn khi chi trả trực tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm có 412.733 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 79,8% so với cùng kỳ năm 2020; 380.636 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2020;

6 tháng đầu năm: Toàn ngành LĐ-TB&XH nỗ lực rất lớn, các chỉ tiêu, kế hoạch cơ bản hoàn thành - Ảnh 5.

Đáng chú ý, có 912.886 lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm, tăng 59,1% so với cùng kỳ năm trước và 10.651 người được hỗ trợ học nghề, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, tiền lương cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến thu nhập, tiền lương của người lao động.

Trình Thủ tướng cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 369 liệt sĩ

Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Bộ đang khẩn trương hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, triển khai lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đến đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện xác nhận, công nhận người có công, thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 369 liệt sĩ, cấp đổi lại 4.039 bằng Tổ quốc ghi công; tiếp nhận 1.544 mẫu để giám định ADN gồm 928 mẫu lưu, 399 mẫu hài cốt liệt sĩ và 217 mẫu thân nhân liệt sĩ để bàn giao cho các đơn vị giám định thực hiện.

Đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng.

Không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2021

Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng được nỗ lực thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, kết quả đề ra, như lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Bộ đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; trình Quốc hội khóa XV đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025; trình Chính phủ ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo.

Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho trên 3,1 triệu đối tượng; hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm COVID-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch COVID-19; Tổ chức triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tư vấn, hướng nghiệp, học nghề và giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện ma túy; Tăng cường cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Có thể nói, "trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng về cơ bản, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 và vẫn diễn biến phức tạp, Bộ xác định tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; tinh thần chung là không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2021.

Trong 5 nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, thì nhiệm vụ đầu tiên là: Chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, UBND tỉnh/thành phố triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.

Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Các đơn vị thuộc Bộ phải theo dõi sát tình hình, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên; kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

* Báo Dân sinh sẽ tiếp tục đưa tin về Hội nghị này trong các bản tin sau.