Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, tuy nhiên hoạt động kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong 6 tháng năm 2021 có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, đó là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 33,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,9 tỷ USD, tăng 37,3%; điện thoại và linh kiện đạt 8,9 tỷ USD, tăng 48,7%; vải đạt 7,3 tỷ USD, tăng 32,3%; sắt thép đạt 5,7 tỷ USD, tăng 40,8%...
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 149,3 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 93,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,4 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 25,2 tỷ USD, tăng 21,1%; thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, tăng 47,7%; Nhật Bản đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,3%; thị trường EU đạt 8,1 tỷ USD, tăng 16,3%; Mỹ đạt 7,7 tỷ USD, tăng 9,5%.
Đánh giá về tình hình thương mại 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, vào thời điểm hiện tại, nhập siêu không đáng lo ngại, bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu linh, phụ kiện, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Đây sẽ là tiền đề cho sản xuất và sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau.
Nhìn nhận về cán cân thương mại đảo chiều, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải phân tích, đây là mức nhập siêu nhẹ và không có gì quá bất thường.
Hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là các nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, đặc biệt trong đó phục vụ cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.
Đơn cử như, linh kiện điện tử, các nguyên, phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành sản xuất trong nước hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ nên sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu.
Báo cáo tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương nhận định, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là, đợt bùng phát dịch vào cuối tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế;
Một số khu công nghiệp, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… bị tạm dừng hoạt động.
Điều này đã ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu; trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu tăng cao, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả; linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán để ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Đồng thời, tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.