Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

7 tỉnh tham dự Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên

(Dân sinh) - Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước”, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2021 sẽ được tổ chức tại tỉnh Kon Tum từ ngày 28 đến 30/5/2021.

Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2021 do Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức với sự tham gia của trên 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc đến từ 7 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam và Bình Phước.

Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và trình diễn những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

7 tỉnh tham dự Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra tại Ngày hội

BTC cho biết, trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Trình diễn, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc ở mỗi địa phương; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu cồng chiêng, khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của mỗi dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay. Bên cạnh đó là các hoạt động trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc; độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, các dân tộc vùng Tây Nguyên. Hoạt động thể thao và các trò chơi dân tộc truyền thống như đẩy gậy, kéo co, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố. Giới thiệu, triển lãm đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên thông qua hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, chữ và sách cổ, các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu…

Cũng theo BTC, các địa phương tham gia Ngày hội đang tích cực chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ để có những tiết mục nghệ thuật tiêu biểu có giá trị nghệ thuật mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại. Đặc biệt, Ngày hội sẽ diễn ra với tiêu chí hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, nhưng vẫn tạo không khí vui tươi, phấn khởi đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, các tỉnh vùng Tây Nguyên và du khách tham gia Ngày hội.

Nhắc đến văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên không thể không nhắc đến một mảng đời sống tinh thần quan trọng của người Tây Nguyên, đó là các lễ hội truyền thống. Tất cả các lễ hội đều biểu thị những quan niệm về con người hay vũ trụ được họ tôn thờ như: Lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới, lễ mừng thọ hay lễ bỏ mả cho người đã khuất, lễ cúng tạ ơn cha mẹ... Giá trị văn hóa tinh thần trong lễ hội của người Tây nguyên được thể hiện trong các lễ hội nông nghiệp, lễ hội phong tục, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử như hội mùa, lễ tỉa hạt, lễ cúng máng nước, cúng nồi, lễ đâm trâu, lễ hội Pơ thi, Lễ hội Cồng chiêng... Lễ hội của đồng bào Tây nguyên là bài ca về lòng yêu nước nồng nàn của các dân tộc Tây nguyên.

Ít có vùng văn hóa nào mà khi hòa mình vào các lễ hội truyền thống du khách được thỏa sức chiêm ngưỡng, cảm nhận sự hội tụ những tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, của các tộc người khác nhau. Đó là sự hòa trộn của tiếng chiêng cổ ngân vang, vũ điệu xoang truyền thống, những bộ phục trang đẹp đẽ; chiêm ngưỡng những giàn cúng với những tua đan bằng tre nứa sặc sỡ sắc màu; và thưởng thức văn hóa ẩm thực, say sưa trong bữa rượu cần. Mỗi một lễ hội đều cuốn hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí đến từ các dân tộc khác, buôn làng khác. Chính vì vậy, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên năm 2021 nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Nguyên, qua đó tuyên truyền quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh.