Viện Văn học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 038-TTg ngày 6-2-1960 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, lịch sử hình thành của Viện Văn học được gắn với tổ Văn học thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (gọi tắt là Ban Nghiên cứu Sử, Địa, Văn) thành lập tại Chiến khu Việt Bắc theo Quyết định số 34-QN/TW ngày 2-12-1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Qua một số lần sắp xếp lại tổ chức và thay đổi tên gọi, năm 1960, tổ Văn học ngày ấy chính thức được định danh là Viện Văn học.
Trong hành trình 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, từ 4 tổ chuyên môn với số lượng nhân sự ít ỏi ban đầu, đến nay, Viện Văn học có 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ với 46 cán bộ, 1 Hội đồng khoa học có chức năng tư vấn cho Viện trưởng, 1 cơ quan ngôn luận là Tạp chí Nghiên cứu văn học - tờ tạp chí uy tín, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước.
TS Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: “Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học đã không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều thành tựu, có nhiều đóng góp quan trọng cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà”. Viện Văn học xứng đáng là trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của Việt Nam khi vừa tham gia trực tiếp vào đời sống văn học, vừa đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, mở rộng phạm vi, quy mô và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Viện đã đẩy mạnh liên kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các trung tâm trong và ngoài nước với nhiều công trình khoa học về lý luận văn học, văn học Việt Nam trung đại, cận, hiện đại và đương đại, văn học dân gian và văn học các dân tộc thiểu số, văn học nước ngoài để lại dấu ấn nổi bật.
Đến nay Viện Văn học đã có 8 nhà nghiên cứu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 13 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Nhà nước; ngoài ra còn có một số nhà khoa học được quốc tế tôn vinh như GS Hồ Tôn Trinh được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, PGS.TS Trương Đăng Dung được trao tặng Huân chương Chữ thập vàng của Nhà nước Hungary, PGS Nguyễn Văn Hoàn được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ của Nhà nước Italia.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của toàn thể cán bộ Viện Văn học trong 70 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho Viện Văn học như Huân chương Lao động hạng Ba (1979), Huân chương Lao động hạng Nhất (1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999). Tạp chí Nghiên cứu Văn học cũng đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (1979), Huân chương Lao động hạng Nhất (1990).
Về định hướng phát triển của Viện Văn học, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện Văn học tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu giải quyết những vấn đề cơ bản của văn học sử, lý luận văn học và phê bình văn học, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Viện. Đồng thời, Viện tiếp tục mở rộng và nâng cao hướng nghiên cứu liên ngành, đa ngành, bắt kịp những chuyển động nghiên cứu khoa học của khu vực và thế giới; trong đó tập trung hướng nghiên cứu từ văn hóa học, xã hội học và thi pháp học.
Đặc biệt, Viện sẽ tích cực tham gia tư vấn chính sách, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển văn học nghệ thuật, góp ý và phản biện các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về văn học nghệ thuật.