Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng
Theo BHXH Việt Nam, 9 tháng đầu năm, BHXH các cấp đã giải quyết cho 612.506 người hưởng trợ cấp 1 lần, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó hưởng BHXH 1 lần là 527.142 người, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, 9 tháng đầu năm, số người được cấp sổ BHXH là 14,22 triệu (đã bao gồm lực lượng vũ trang), đạt 99,4% số người tham gia BHXH. Số lượng sổ BHXH đã bàn giao cho người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc là 13.037.541 sổ (chưa bao gồm lực lượng vũ trang), đạt 99,9% so với tổng số sổ đang tham gia BHXH bắt buộc. Số người tham gia đã được cấp thẻ BHYT là 82,3 triệu người; trong đó, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH là 78,65 triệu người, đạt tỷ lệ 99% tổng số người tham gia đã có mã số BHXH.
Về giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp, đến nay, ngành BHXH đã giải quyết cho 92.029 người hưởng BHXH hàng tháng, giảm 7,2% so với cùng kỳ 2017 (trong đó: Hưu trí là 74.174 người, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2017). Tại thời điểm tháng 9/2018, có gần 3,1 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (trong đó 2,6 triệu người nhận bằng tiền mặt, 485.000 người nhận qua tài khoản cá nhân). Bên cạnh đó, BHXH các cấp cũng giải quyết cho 612.506 người hưởng trợ cấp 1 lần, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017 (trong đó: BHXH 1 lần là 527.142 người, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2017); giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 7.500.653 lượt người, tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 412.473 người, chi trả kinh phí hỗ trợ học nghề cho 20.378 người.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người tham gia, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường thanh tra, kiểm tra phối hợp giữa các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, ngành BHXH đã phối hợp với thanh tra ngành LĐ-TB&XH, ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT.
Trong quá trình thanh tra, đoàn công tác đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của BHXH các tỉnh, thành phố; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 9/2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 13.640 đơn vị. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có 27.678 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT với số tiền phải truy đóng là 79,82 tỷ đồng; 39.021 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 43,31 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ trước khi có Quyết định thanh tra, kiểm tra là 2.088 tỷ đồng, số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong và sau thời gian thanh tra là 1.127.058 triệu đồng (tỷ lệ thu hồi nợ là 53,9%).
Tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH, nhằm đáp ứng được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đề ra. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, BHXH nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH (cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), kết quả phát triển đối tượng tham gia chưa xứng với tiềm năng của địa phương; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn còn cao.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, ngoài những lý do khách quan như tình hình kinh tế địa phương khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm sản xuất kinh doanh; nhiều địa phương lớn chuyển đổi cơ cấu theo hướng dịch vụ, chủ trương tuyển lao động chuyên môn cao và tăng cường áp dụng công nghệ… thì còn tồn tại một số nguyên nhân chủ quan đến từ chính BHXH một số địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan để kịp thời nắm bắt tình hình các doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, phục vụ công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình thu theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH; quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành đóng, tập trung thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên theo quy định...
Chỉ đạo việc vấn đề phát triển đối tượng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố phải tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, vận động tới từng nhóm đối tượng cụ thể với các hình thức truyền thông đa dạng hơn nữa. Riêng đối với công tác phát triển BHXH tự nguyện, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, đây là chính sách nhân văn, đảm bảo an sinh khi về già cho nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức. Đặc biệt, từ năm 2018, Nhà nước đã có mức hỗ trợ từ 10-30% cho một số nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong thời gian tới, chính sách này sẽ có những thay đổi linh hoạt hơn nữa trong việc đóng - hưởng và mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện từ phía Nhà nước sẽ tiếp tục được tăng lên... Vì vậy, ngành BHXH phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo, ngoài việc tăng cường truyền thông, vận động, BHXH các địa phương phải đảm bảo mở rộng, và vận hành có hiệu quả hệ thống các đại lý thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tới từng xã, phường tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu để vận động các đối tượng tham gia chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, không phải để người dân, người lao động phải tự tìm đến với ngành BHXH.