Căn cứ theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việ tNam 2019 giải thích về tạm hoãn xuất cảnh: “Tạm hoãn xuất cảnh là việc dừng, không được xuất cảnh có thời hạn đối với công dân Việt Nam.”
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 109 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 có đề cập đến tạm hoãn xuất cảnh như sau:
“Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.”
9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh
Từ những quy định nêu trên, có thể hiểu tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn áp dụng trong tố tụng hình sự nhằm dừng xuất cảnh có thời hạn đối với người bị buộc tội khi có căn cứ chứng minh người đó sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để đảm bảo việc thi hành án.
Cụ thể, tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, có 9 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm:
1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021).
2. Là các trường hợp:
- Người được hoãn chấp hành án phạt tù.
- Người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách.
- Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019.
3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
5. - Người nộp thuế.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
- Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài hoặc định cư ở nước ngoài mà trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.
8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.
9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh là bao lâu?
Căn cứ Điều 38 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và khoản 3 Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh với các trường hợp nêu trên được xác định như sau:
- Trường hợp 1: Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không vượt quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo tội phạm. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài thêm tối đa 2 tháng (Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Với người bị kết án phạt tù, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không vượt quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó chấp hành án phạt tù.
- Trường hợp 2, 3, 4, 5, 6: Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người vi phạm, người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
- Trường hợp 7: Không quá 1 năm và có thể gia hạn, mỗi lần không quá 1 năm.
- Trường hợp 8: Không quá 6 tháng và có thể gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 6 tháng.
- Trường hợp 9: Được tính đến khi không còn ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Khi hết thời hạn nêu trên, người bị tạm hoãn xuất cảnh đương nhiên được hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh nếu không bị gia hạn tạm hoãn xuất cảnh.
Hủy bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được hủy bỏ khi thuộc một trong những trường hợp như sau:
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự
- Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án
- Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can
- Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định;
Trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.