Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ấm áp Tết Việt ở Đức

Trần Huyền
Trần Huyền

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc tất cả người Việt Nam ở nước ngoài không phân biệt học vấn cao hay thấp, giàu hay nghèo… đều hướng về Tổ Quốc .

Trời Berlin rét âm 1 độ C. Tuyết lốm đốm trắng vỉa hè. Nhưng vì lòng người hây hẩy ấm áp nên dường như khí hậu cũng trở nên ngọt ngào. Từ sáng sớm, trong “vôn”, (ký túc xá), đã náo nhiệt bắt đầu một ngày hội lớn.

TE Viet o Duc don Tet.png

Mọi hoạt động đều hướng về mục đích: nấu nướng, sắm sửa, chuẩn bị cho đêm Giao thừa.

Đặc biệt là lũ trẻ con tha hồ nô nức, phần được nghỉ học, phần biết sẽ được bố mẹ tặng quà năm mới. Chúng chạy nhảy, cười khanh khách dọc hành lang như một bản nhạc vui của mùa xuân.

Các cửa hàng buôn bán nhỏ trong “vôn” tự ra đời. Bánh chưng, pháo, giò, gà vịt làm lông sẵn, măng khô, miến, kẹo bánh, thịt, rượu ngoại và cả rượu lúa mới...

Những cửa hàng tự tạo này thường chỉ “ra đời” trong ba ngày Tết do tư duy nhanh nhậy của người bán. Bánh chưng được gói bằng lá dong chuyển từ Việt Nam sang. Được cái là bếp công cộng của “vôn” tha hồ nấu nên những nhà làm loại dịch vụ kiểu này không lo tốn tiền điện.

Huy động tất cả xoong, nồi, xô, chảo một đêm luộc được cả trăm cái. Nem chua buôn từ Pháp về, hương vị na ná như nem chua ở quê nhà, chỉ thiếu lá ổi. “Lúa mới”, “Nếp mới” mang ở nhà sang cũng đã sẵn sàng.

Món ăn không thể thiếu trong bữa ăn dịp Tết của người Việt ở Đức là cá chép (khoảng 2-3kg) luộc nguyên con hoặc gói giấy bạc bỏ lò. Những gia đình cầu kì thì từ sáng 30 đánh xe ra tận ngoại ô mua dăm con gà trống về làm các món ăn cúng cụ. Mặt hàng pháo có lẽ phong phú nhất: pháo tép, pháo thăng thiên...

Quà Tết cho trẻ con thường là quần áo mới, sách vở, bánh kẹo hoặc đồ chơi. Có nhà mua hẳn cho con một cái ô tô trẻ em  chạy dọc hành lang kêu bim bim.

mam com Tet cua nguoi Viet xa xu.jpg

Hoa thì chặt một cành đào ở ngoài vườn rồi dùng giấy đỏ làm nụ, nhác trông tưởng mới mua ở Nhật Tân về. Vậy là mâm cỗ cúng chiều 30 tàm tạm rồi. Trong cái giá lạnh tê buốt của mùa đông châu Âu, dường như lòng người ấm nên băng giá tan đi ít nhiều. Buổi chiều cuối năm đến từ từ, yên ả, trầm lặng và trang trọng. Sau cửa kính mờ hơi nước, dường như có một giai điệu của một cỗ xe tam mã từ xa vẳng lại, rất khẽ, vui tươi nhộn nhịp.

Sáu giờ chiều tức 23h30 ở Việt Nam, tất cả các gia đình trong “vôn” đều thắp hương cúng tổ tiên. Trên bàn thờ, mâm cỗ cúng có đủ bánh chưng, giò lụa, xôi, nem rán, rượu… Bố mẹ trịnh trọng khấn vái và dạy con cháu khấn theo để chúng không quên phong tục, truyền thống tổ tiên.

Sáng mùng một Tết, các gia đình gọi điện chúc Tết người thân, lũ trẻ con sẽ gọi điện hỏi thăm ông bà ở quê nhà. Giọng của ông bà qua điện thoại nghẹn ngào vì nhớ con cháu, cùng hẹn mùa  xuân năm sau sẽ gặp nhau.

Giao thừa, tất cả các phòng trong “vôn” đồng loạt đốt pháo. Giữa những nhấp nhánh lửa sao, thỉnh thoảng vụt lên vệt lửa sáng rực bay.  Các gia đình sẽ mở cửa sổ để cho không khí năm mới vào nhà. Năm mới đã về rồi, trong mỗi người Việt xa xứ đều tràn ngập những tình cảm ấm áp, ngọt ngào, tốt đẹp.

NTL_7322.png

Khuya, các gia đình trong “vôn” sang thăm và chúc Tết nhau. Ngồi mỗi nhà dăm phút, uống vài hớp rượu xuân, hàn huyên những điều mà trong năm bận rộn làm ăn, chưa kịp hỏi han nhau. Tiếng pháo đã tàn, chỉ còn thưa thớt vài đốm lửa đỏ trong sân. Càng khuya, người đi chúc Tết càng đông, lao xao cho đến 
tận sáng.

Đêm Giao thừa ở trong “vôn” qua đi như vậy, tình cảm và thân thiết. Ban mai đến, tĩnh lặng quá, chỉ có một bông tuyết đậu ngoài cửa sổ.

Sáng sớm mùng Một, trẻ em được bố mẹ cho lên Sứ quán chúc mừng năm mới và dự liên hoan văn nghệ. Cháu nào hát hay sẽ có giải thưởng. Rồi trẻ sẽ chụp ảnh kỷ niệm với các chú, bác. Sau đó về tập trung ở hội đồng hương các tỉnh. Mỗi tỉnh có một hội đồng hương để giúp đỡ nhau.

Trẻ em được ăn liên hoan có các món dân tộc và gặp gỡ những người thân, quen. Đặc biệt, có hội đồng hương còn tổ chức cho các con thi đọc những bài luận về kỷ niệm Tết tại quê nhà, để các con luôn nhớ và yêu Tổ quốc.

Bé Nguyễn Văn Hải 10 tuổi, nói: “Cháu mới sang Đức vài năm nên rất nhớ quê hương, ông bà. Dịp này, cháu nhớ nhà và mong được về Việt Nam ăn Tết”.

Còn anh Trần Văn Đức, ở Berlin chia sẻ: “Tôi ở đây 1/4 thế kỷ. Sinh 3 con ở Đức. Các con tôi nói Tiếng Việt không tốt lắm. Tết cổ truyền là dịp để các cháu gặp gỡ nhiều anh em, bạn bè người Việt, luyện nói tiếng Việt, viết tiếng Việt để không quên quê hương”.

Chị Hoài Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Berlin cho biết: “Hội Phụ nữ Việt Nam tại Berlin vẫn dạy các cháu nấu món ăn Việt Nam. Dịp Tết, chúng tôi hay thi nấu ăn cho các cháu tham gia. Đây là hình thức rất hay để các cháu nhớ truyền thống của cha ông”.

Nguyễn Thiên Việt

Tin liên quan