Kim chi - món ăn quốc hồn quốc túy

Du khách được trải nghiệm cách làm kim chi ở viện bảo tàng và các nguyên liệu để làm kim chi.
Ẩm thực ở Hàn Quốc cũng là điều thú vị. Bất cứ quán ăn sang, hèn nào cũng có món quốc hồn quốc túy kim chi. Ngoài kim chi cải thảo đóng “vai chính”, thì bất cứ rau củ nào cũng có thể cho lên men thành kim chi. Chị Hạnh, hướng dẫn viên du lịch đoàn chúng tôi, đồng thời cũng là cô dâu xứ Hàn đã 15 năm - cho biết, có tới 200 món kim chi tại đất nước này! Ở đây, kim chi được “tôn sùng”, được xem như “quốc bảo”! Rong biển, giá (giá ở Hàn quốc được làm từ đậu nành) hay rau củ nào cũng có thể làm kim chi. Gia vị để làm kim chi khá đơn giản: ngoài ớt bột Hàn không thể thiếu, thì có thể thêm hành tây, muối cùng bí quyết giữ kim chi lâu chua “hỗn” chính là món tép muối lên xay nhuyễn trộn chung. Trong các gia đình Hàn, nếu như ngày xưa, kim chi được chôn trong những chiếc lu sâu dưới lòng đất để dành ăn qua mùa đông buốt giá, thì nay, có những chiếc tủ lạnh rất xinh xắn và riêng biệt để cất giữ món ăn truyền thống này.


Du khách hào hứng mặc hanbook - chiếc áo cổ truyền của người Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm.
Không ăn cay và mặn
Không hiểu sao có một dạo, tại TP.HCM rộ lên mốt mì cay Hàn Quốc 7 cấp độ. Đã có vài thực khách trẻ ăn đến cấp độ 7 và đã tiến thẳng vào bệnh viện cấp cứu! Người ta nhầm tưởng là người Hàn ăn cay lắm, thực chất lại không phải vậy. Có lẽ, nhiều người Việt trẻ yêu mến đất nước Hàn Quốc rồi chế ra món mì cay. Người Hàn Quốc ăn cay ít hơn cả người miền Trung nước ta. Ớt xứ Hàn là để cho đẹp mắt chứ không cay! Về khẩu vị, người Hàn ăn rất nhạt, ít muối, điều đó phù hợp với khoa học hiện đại, nhưng lại làm cho du khách Việt, nhất là người miền Nam như tôi cảm thấy hơi lạt miệng! Nhất là các món gà hầm sâm, nước rất ngọt nhưng khách Việt ăn là phải xin thêm muối. Nhưng để bù lại, thì khi ăn, món kim chi sẽ “hỗ trợ” làm cho bữa ăn không nhạt nhẽo. Riêng các món gà nướng và thịt nướng nổi tiếng xứ Hàn thì nêm ướp rất ngon miệng, chấm với tương Hàn rất đặc trưng.

Một ki-ốt dựng ở ngã tư đường rất tươm tất dành cho người già bán trái cây, nước uống.
Trong ẩm thực, người Hàn ăn uống khá khoa học. Ngoài ăn ít muối, họ không hầm lấy nước dùng từ xương mà từ các loại củ quả như: hành tây, bắp, lê, củ cải trắng… nên món ăn ngọt thanh. Người Hàn ăn uống cũng khá giản dị, trong bữa ăn thường chỉ có một món chủ đạo, bên cạnh đó là các loại kim chi và nấm cùng một ít rau như tần ô, cải ngọt... Họ không ăn các loại rau có mùi “mạnh” như húng quế, tía tô, ngò gai… như ở ta. Tôi cũng không thấy họ cho hành lá vào các món canh mà chỉ dùng hành boa rô. Canh của họ chỉ có 3 loại chủ lực là canh kim chi,canh rong biển và canh đậu tương.
Seoul không có “phong tục” ăn sáng nơi quán xá ngoài đường hay “hẹn cà phê” như ta. Là đất nước phát triển, nhịp sống công nghiệp hối hả nên có lẽ họ ít thời gian ngồi “nhâm nhi ly cà phê” hay ăn sáng ngoài hàng. Họ coi trọng bữa ăn sáng với gia đình là một lẽ nhưng cũng là để tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Chị Hạnh cũng cho biết: Ở Seoul, đám cưới hay tiệc tùng nếu mời không đúng ngày cuối tuần có lẽ sẽ không có người đi vì ai cũng bận rộn.
Seoul cũng không có chợ cóc, chợ tạm như ở các thành phố nước ta dù thi thoảng cũng thấy một quầy bán giày bình dân hay các ki-ốt ở ngay ngã tư dành cho người già bán báo hay trái cây, nhưng rất chỉn chu, có cả tủ lạnh để bảo quản hàng hóa. Đây là một nét đẹp nhân văn, dù ngay trung tâm thành phố phát triển và ngăn nắp như Seoul, vẫn có những nơi bán hàng được qui hoạch cho người già, người khó khăn, rất tiện lợi cho người mua mà vẫn giữ vẻ mỹ quan cho đô thị. Còn lại, tất cả đều tập trung buôn bán ở siêu thị. Thường cuối tuần, người dân đi chợ dành cho cả tuần.

Một gian hàng bán giày dép bình dân ở lề đường.
Sâm cao ly, dầu thông đỏ và… mỹ phẩm
Là một đất nước phát triển với nhiều sản vật nổi tiếng thế giới nên rất nhiều du khách muốn đến Hàn Quốc để thăm thú, mua sắm. Trong đó đáng kể nhất là sâm cao ly, dầu thông đỏ và mỹ phẩm.
Khỏi phải bàn về củ sâm cao ly, vì đây là món thực phẩm thuộc hàng “vai vế”, ngang hàng với tổ yến mà tác dụng “thấy trước mắt” còn hơn cả tổ yến. Bởi thế, đến Hàn Quốc, đa phần du khách đều mua món “quốc bảo” này. Những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước Việt - Hàn khá thân thiện nên hàng hóa Hàn Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, từ đôi dép lê tới hộp sâm cao cấp. Sâm cao ly có rất nhiều loại, thiên sâm (đắt đỏ nhất) rồi địa sâm (đứng hàng kế tiếp) và lương sâm. Ở thị trường Việt Nam, thỉnh thoảng tôi cũng mua làm quà biếu cho người già thì không thấy hai loại thiên sâm và địa sâm, chỉ duy nhất một lần gặp địa sâm ở một hội chợ Hàn Quốc. Ngay trung tâm sâm quốc gia do tập đoàn Samsung làm chủ, giới thiệu và bán loại sâm lưỡng cực, rằng dành cho tất cả mọi người, trong đó có cả bột sâm dành cho trẻ em. Khoảng gần 10 triệu đồng (sau khi trừ hoàn thuế) hộp sâm cao ly 300g, còn ở Trung tâm Nông sản thì 5 củ sâm tươi nặng 1kg sẽ có giá khoảng gần 3,5 triệu đồng. Du khách đa số đều mua!

Một gian hàng trong Trung tâm thương mại Dota.
Rồi trung tâm dầu thông đỏ có cả máy đo các mạch máu cho du khách để biết mạch máu của mình có bị xơ hóa hay chưa. Kết quả cũng rất nhiều khách mua viên dầu thông đỏ với liệu trình phòng chống xơ vữa mạch máu (ít nhất trong 2 tháng khoảng gần 7 triệu đồng). Rồi viên phòng chống đột quỵ một liệu trình cũng cỡ 6 triệu đồng… Nhưng hấp dẫn các du khách nữ nhất là mỹ phẩm. Khỏi phải bàn về “độ phủ sóng” mỹ phẩm Hàn Quốc ở Việt Nam. Thượng vàng hạ cám đều có đủ. Nhưng phải khách quan nhìn nhận là giá cả mỹ phẩm Hàn Quốc khá cao. Hơn nữa, đa số mỹ phẩm dưỡng da Hàn Quốc khá cầu kỳ theo trình tự 4-5 bước. Nhưng, có một loại rất rẻ bên Hàn Quốc so với ta là mặt nạ đắp mặt, chỉ khoảng 500 ngàn là “tậu” được mấy chục gói, trong khi tại Việt Nam trung bình giá mấy chục ngàn/1gói! Vì thế, đây là sản phẩm chị em du khách rất… khoái! Còn quần áo thì xin thưa, rất đắt đỏ! Trong các trung tâm thương mại, cái áo “coi được” cũng phải cỡ 1 triệu đồng, còn ở khu chợ bình dân, cái áo “loại thường bậc trung” cũng cỡ 300-400 ngàn! Mà loại này thì Việt Nam đâu thiếu gì, giá cả chỉ chừng hơn 100 ngàn!

Cây xanh được trồng khắp nơi ở Seoul.
Nhưng có một điều làm tôi hơi tiếc nuối, là hàng lưu niệm ở Hàn Quốc tuy không phong phú và sắc sảo nhưng giá cả lại đắt đỏ. Về điểm này thì Hàn thua xa Thái Lan, Trung Quốc. Bộ búp bê Hàn mặc hanbook cổ trông khá lòe loẹt giá cũng cỡ 1 triệu đồng. Tôi cứ tự hỏi mà chưa tìm được lời đáp: Với một đất nước cực kỳ thẩm mỹ như Hàn Quốc, sao lại không đầu tư các mặt hàng này cho sắc sảo như Thái Lan chẳng hạn? Có thể, giá trị thu về của nó không cao như sâm cao ly, như tinh dầu thông đỏ, nhưng nó lại là nét chấm phá quan trọng của du lịch Hàn Quốc!
Hồng Liên/GĐTE