Theo khuyến cáo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng không nên ăn quá nhiều bánh Trung thu. Mỗi chiếc bánh Trung thu truyền thống với nhân hạt sen và lòng đỏ trứng có thể chứa tới 957calo, tương đương với 4,5 chén cơm.
Ngoài ra, lượng đường trong bánh Trung thu cũng rất cao, khoảng 16 thìa cà phê đường cho mỗi chiếc, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị lượng đường hàng ngày chỉ nên dưới 6 thìa cà phê.
Tuy nhiên, Tết Trung thu sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu món bánh truyền thống này và bạn vẫn có thể thưởng thức chúng mà không lo tăng cân nếu biết cách.
Ăn bánh Trung thu thế nào để không bị tăng cân?
Chọn bánh: Khi chọn mua bánh, hãy lưu ý đọc kỹ nhãn thành phần (thành phần thường được liệt kê từ tỷ lệ cao nhất đến thấp nhất). Tránh các loại bánh có chứa quá nhiều đường, chất bảo quản và chất béo trans. Nếu muốn giảm lượng cholesterol và natri, bạn có thể chọn bánh không có lòng đỏ trứng hoặc chỉ có một lòng đỏ.
Tự làm bánh tại nhà: Nếu có thể tự tay làm bánh thì chsung ta có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để giảm bớt đường và chất béo: Giảm lượng đường; thay thế bằng khoai lang để tạo độ ngọt tự nhiên; dùng các loại dầu lành mạnh như dầu canola, dầu bơ hoặc dầu ô liu thay cho mỡ heo và bơ để giảm lượng chất béo bão hòa;
Thay bột mì đa dụng bằng bột ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường dinh dưỡng; chọn màu tự nhiên từ nước ép củ quả thay cho màu thực phẩm nhân tạo; làm bánh kích cỡ nhỏ hơn để dễ kiểm soát khẩu phần ăn.
Ăn bánh một cách khoa học: Hãy chia nhỏ bánh và ăn cùng gia đình thay vì ăn cả chiếc bánh một mình, điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát calo mà còn giữ trọn vẹn ý nghĩa đoàn tụ.
Không ăn bánh Trung thu vào bữa sáng, vì lượng đường cao có thể khiến bạn mệt mỏi và thèm ăn ngọt suốt cả ngày.
Uống trà không đường như trà xanh hoặc trà ô long cùng với bánh để cân bằng độ ngọt và hỗ trợ tiêu hóa.
Điều chỉnh khẩu phần carbohydrate trong ngày nếu bạn dự định ăn bánh Trung thu. Hạn chế bớt một phần cơm hoặc mì để tránh dư thừa calo và đường.
Duy trì lối sống lành mạnh: Bên cạnh việc thưởng thức bánh Trung thu một cách hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn cân đối và tập thể dục đều đặn là cách tốt nhất để giữ sức khỏe.
Hãy cùng nhau chia sẻ niềm vui Trung thu, nhưng đừng quên chăm sóc sức khỏe để vừa có thể thưởng thức món ngon truyền thống, vừa giữ gìn vóc dáng và năng lượng.
Tiêu chí chọn bánh Trung thu an toàn
Tết Trung thu năm nay, nhiều cơ sở ra mắt các mẫu bánh đa dạng, phong phú từ mẫu mã đến hương vị sản phẩm. Để chọn bánh Trung thu an toàn, người dân cần biết thông tin về nguyên liệu và quá trình chế biến.
Theo Cục An toàn thực phẩm, do sản xuất các loại bánh Trung thu đem lại lợi nhuận cao, nên vào dịp Tết Trung thu thường xuất hiện một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, hoặc nhập lậu bánh không rõ nguồn gốc.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí như sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng cần chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bánh Trung thu an toàn, bảo đảm chất lượng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Với các loại bánh chính hãng sẽ công khai thành phần, tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… trên nhãn mác để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua.
Trong khi các loại bánh trôi nổi, không nguồn gốc lại mập mờ những thông tin quan trọng nhất về thành phần nguyên liệu, tiêu chuẩn chất lượng…
Ngoài ra, sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Phong cũng lưu ý, sản phẩm bánh Trung thu sẽ được người sản xuất sử dụng các loại màu thực phẩm. Nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép, thì an toàn với sức khỏe. Nếu bánh chứa chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm, thì vô cùng nguy hiểm.
Các loại bánh Trung thu cách điệu có an toàn?
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà tiêu chí đầu tiên phải là an toàn cho sức khỏe.
Người dân hãy thận trọng với các loại bánh siêu giảm giá, quan sát kỹ hạn sử dụng, tránh mua phải bánh đã hoặc sắp hết hạn, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.
Hiện có một xu hướng là người dùng thích loại bánh Trung thu cách điệu, được vẽ những hình thù rất đẹp mắt lên mặt bánh. Loại sản phẩm này không có gì nguy hiểm nếu nguyên liệu tạo màu an toàn.
Tuy nhiên, để có lợi nhuận cao, nhiều người dùng màu chất lượng kém sẽ rất nguy hiểm. Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine gây ung thư tuyến giáp, allura red có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, việc sử dụng bánh Trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn.
“Khi chọn bánh, người dân cần phải để ý xem hạn sử dụng của bánh, ngoài ra phải quan sát kỹ trên vỏ bánh có xuất hiện những vết lấm tấm bất thường hay không.
Để tránh bị ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân cần tuyệt đối không mua những bánh có dấu hiệu bị mốc, không sử dụng bánh đã hết hạn hoặc không ghi hạn sử dụng; mua các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng và có đăng ký chất lượng” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.