Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

An toàn cháy nổ trong chung cư mini, nhà trọ: Đã siết mà sao vẫn hổng?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Sau thảm họa cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) làm 56 người chết hồi tháng 9/2023, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn thành phố trong vòng 45 ngày.

Kỳ I: Chấp nhận nguy hiểm để có chỗ ở

Sau chưa đầy 1 năm, rạng sáng 24/5, vụ cháy nhà trọ tại đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) lại khiến 14 người tử vong. Vụ việc tiếp tục làm lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà trọ, cho thuê chung cư mini tại Thủ đô; đồng thời đặt ra vấn đề an sinh đối với người thu nhập thấp.

Các vụ cháy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cháy nổ tại các chung cư mini, nhà trọ. Tuy nhiên với những người thu nhập thấp không có điều kiện mua  nhà, họ đành chấp nhận đối mặt với những hiểm họa cháy nổ luôn cận kề.

chay nha tro.jpg
Cảnh tượng hoang tàn sau vụ cháy khu nhà trọ tại đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 24/5.

Vì hoàn cảnh phải chấp nhận

Mấy ngày này, sau khi biết tin vụ hỏa hoạn xảy ra ở khu nhà trọ đường Trung Kính, Trịnh Diệu Linh (quê ở Thái Nguyên) luôn cảm thấy lo lắng bất an bởi chỗ trọ hiện tại của mình không may xảy ra cháy thì bản thân cũng khó thoát thân. 

Linh thuê phòng trọ rộng gần 20m2 trên tầng cao nhất của căn nhà 5 tầng tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. nhà ống nằm sâu trong ngõ nhỏ chỉ đủ hai xe máy tránh nhau được chủ nhà dùng để ở và cho thuê. Gia đình chủ nhà ở tầng 1 và 2 còn người thuê ở từ tầng 3. Vì nhà được xây dựng từ lâu lên cầu thang chật hẹp chỉ đủ một người đi.

Ban công các tầng đều được hàn kín bằng song sắt chống trộm. Một số người thuê trọ đã yêu cầu chủ nhà lắp đặt thêm thiết bị báo cháy và mở lối “chuồng cọp” nhưng vẫn chưa được đáp ứng. "Nhà cách đường chính tới 500m, trong nhà không có thiết bị chữa cháy, lỡ xảy ra cháy thì cứu hỏa khó mà tiếp cận", Linh thông tin. 

“Tôi cũng đang tìm chỗ ở mới đảm bảo hơn về phòng cháy nhưng giá thuê những nơi đó cao, 4 - 5 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Trong khi đó, chỗ tôi đang ở chỉ 2 triệu đồng/tháng cả điện, nước lại gần nơi làm việc nên đành ở lại”, Linh chia sẻ.

Gần 20 năm đi thuê trọ tại Hà Nội, mỗi lần nghe tin cháy nhà trọ hay chung cư mini chị Lan Anh lại hoang mang, lo lắng, bất an. Tuy nhiên, chị vẫn chấp nhận thuê nhà tại Triều Khúc (quận Thanh Xuân) vì khu nhà trọ dù đông đúc, chật chội, ngõ nhỏ nhưng giá rẻ hơn những khu vực trung tâm khác.

"Ở đây cũng thuận tiện gần chợ, gần trường. Hơn nữa, vợ chồng tôi đang tích góp tiền để mua nhà, còn lo cho con trai năm nay vào lớp 1", Lan Anh nói.

Để yên tâm hơn, chị đã tự trang bị cho gia đình mặt nạ phòng độc, bình cứu hỏa, thang dây, búa. Dù vậy, chị Lan Anh cho rằng, những thiết bị phòng cháy, chữa cháy này chỉ hữu dụng khi phát hiện kịp thời, trong trường hợp hít phải khói độc hay cơ thể bị bén lửa thì cũng khó mà thoát thân.

Anh Ngọc (quê Quảng Ninh) cũng trải qua 4 năm sống trọ trong căn phòng hơn 12m2 với 2 người khác ở khu vực Triều Khúc. Căn phòng ở tầng 1, không có cửa sổ, chỉ có lỗ thoáng nhỏ bằng 2 viên gạch.

Theo anh Ngọc, khu Triều Khúc có nhiều trường học, bệnh viện nên tập trung đông sinh viên thuê trọ. Những người thuê trọ thường dùng bếp gas để đun nấu, chỗ ở chật chội ních đầy xe máy và xe điện có khi bít luôn cả lối đi lại đồng thời là lối thoát hiểm.

“Tôi chạy xe ôm công nghệ. Chạy từ sáng đến tối, trừ hết chi phí, chỉ còn hơn 6 triệu đồng/tháng nên phải tìm chỗ trọ rẻ. Chẳng ai muốn sống ở nơi chật chội, nguy hiểm như vậy, vì hoàn cảnh mà phải chấp nhận”, anh Ngọc ngậm ngùi.

“Lỗ hổng” quản lý trong phòng, chống cháy nổ

Theo số liệu từ Bộ Công an, qua kiểm tra 3.956 nhà chung cư trên cả nước đã phát hiện hàng nghìn chung cư vi phạm ở khắp các tỉnh, thành phố. Trong đó, 1.087 chung cư vi phạm về thoát nạn và khoảng 2.024 chung cư vi phạm về trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Đối với loại hình nhà trọ và nhà ở nhiều căn hộ, lực lượng công an đã phát hiện quá nửa trong số gần 178.200 lượt cơ sở được kiểm tra còn tồn tại vi phạm về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, điện lực.

Sau những vụ cháy gần đây trên địa bàn, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã thành lập 40 tổ công tác, tổng kiểm tra các cơ sở cho thuê trọ; kiểm tra phát hiện 2.822 cơ sở không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 3.172 cơ sở không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy.

Đối với tiêu chí hệ thống báo cháy, 2.961 cơ sở không đảm bảo và 2.717 cơ sở không đảm bảo về tiêu chí hệ thống chữa cháy, 1.566 cơ sở có vi phạm về điện (việc sử dụng điện sau công tơ, tự đấu nối đường dây điện...).

Hiện, 28 cơ sở đã khắc phục các vấn đề sạc xe điện, còn 2.274 cơ sở chưa khắc phục được. Lối ra thoát nạn tại tầng 1 được thoát trực tiếp ra ngoài nhà, mới 51 cơ sở đảm bảo, còn 2.969 cơ sở chưa được khắc phục, trong khi đó chỉ có 973 cơ sở đã khắc phục được vấn đề bố trí lối ra khẩn cấp, còn 1.680 cơ sở chưa đáp ứng được.

Tiêu chuẩn quốc gia năm 2012 quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở liên kế, trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng. Tuy nhiên, hầu hết chủ đầu tư tìm mọi cách nâng tầng, tăng phòng nhằm tăng lợi nhuận.

Chủ đầu tư cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức. Những lồng sắt quây kín chung cư mini. Từng phòng nhỏ có những ô cửa sổ nhưng cũng bịt kín bởi các song sắt, khung sắt để chống trộm. Tận dụng diện tích, quần áo và vật dụng dễ bắt lửa để khắp lối thoát hiểm.

Ngoài ra, nhà trọ thường chỉ có một lối đi chính, không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra cháy, người thuê trọ khó có thể thoát ra ngoài. Chưa kể đến vị trí của những ngôi nhà cho thuê lại thường nằm sâu trong các con ngõ nhỏ càng khiến công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng khó khăn khi tiếp cận xử lý hiện trường.

Nhiều chủ đầu tư khi xây dựng đã đưa ra lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Hay về vi phạm giấy phép xây dựng, đơn cử vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ tháng 9/2023, chủ đầu tư xin cấp phép xây 6 tầng dưới dạng nhà ở riêng lẻ nhưng thực tế lại xây 9 tầng, phân thành các căn hộ bán và cho thuê.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, chung cư mini được xây dựng trong khu dân cư vốn đã đông đúc sẽ kéo theo áp lực dân số tăng lên và hàng loạt hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ…

Ghi nhận từ những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua cho thấy, các bất cập này đã được minh chứng bằng những hậu quả cụ thể. Nhất là việc những tòa nhà diện tích hẹp được chất cao tầng, tập trung đông người sinh sống nhưng khi xảy ra hỏa hoạn thì lối thoát hiểm không đáp ứng; đường vào sâu, chật hẹp khiến lực lượng cứu hộ và thiết bị chữa cháy khó khăn trong tiếp cận hiện trường...

Sau những vụ cháy gần đây trên địa bàn, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã thành lập 40 tổ công tác, tổng kiểm tra các cơ sở cho thuê trọ; kiểm tra phát hiện 2.822 cơ sở không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 3.172 cơ sở không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy.

Đối với tiêu chí hệ thống báo cháy, 2.961 cơ sở không đảm bảo và 2.717 cơ sở không đảm bảo về tiêu chí hệ thống chữa cháy, 1.566 cơ sở có vi phạm về điện (việc sử dụng điện sau công tơ, tự đấu nối đường dây điện...). Hiện, 28 cơ sở đã khắc phục các vấn đề sạc xe điện, còn 2.274 cơ sở chưa khắc phục được.

Lối ra thoát nạn tại tầng 1 được thoát trực tiếp ra ngoài nhà, mới 51 cơ sở đảm bảo, còn 2.969 cơ sở chưa được khắc phục, trong khi đó chỉ có 973 cơ sở đã khắc phục được vấn đề bố trí lối ra khẩn cấp, còn 1.680 cơ sở chưa đáp ứng được.

 

Kỳ II: Nên phát triển thị trường nhà cho thuê chuyên nghiệp

Châu Anh

Báo Lao động Xã hội số 67

Tin liên quan