Là thành viên của Hội Nông dân xã Bình Mỹ, thấy bà con nông dân đang chật vật suy nghĩ việc vận chuyển hàng hóa mùa dịch, gia đình cũng có xe bán tải nhưng không làm gì nên anh Trịnh Nguyễn Minh Đại (28 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ, Củ Chi) cùng em song sinh Trịnh Nguyễn Minh Phát xin đăng ký trợ giúp.
Biết được sự việc, hàng xóm anh là chủ một xưởng xe nâng cũng hỗ trợ một xe bán tải để anh Phát lái, ngoài ra, nhân viên xưởng này cũng hăng hái tham gia góp sức cùng hai anh em và cộng đồng.
Theo anh Đại, ban đầu gia đình cũng e ngại vì hai anh em chưa được tiêm vaccine nhưng nghĩ bao hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong dịch bệnh này, ba mẹ đồng ý cho tham gia, căn dặn lúc nào cũng phải tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Sau khoảng 2 tuần nhận nhiệm vụ thì anh em Đại, Phát đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Những ngày kết thúc nhiệm vụ sớm, anh em song sinh lên mạng xã hội đăng thông tin cá nhân và số điện thoại để ai cần hỗ trợ hai anh sẽ đến giúp đỡ. Từ đó, nhiều cuộc gọi nhờ hai anh em chở nhu yếu phẩm, bình oxy đến các quận, huyện trong thành phố làm tinh thần hai anh em phấn khởi hơn hẳn.
Giúp đỡ bà con hết mình, anh em song sinh lên mạng xã hội kêu gọi các nhà hảo tâm mua giúp cho người nông dân và hai anh em sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển với giá 0 đồng. Các chuyến xe hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu giúp bà con cũng từ đó ngày một nhiều hơn.
Các chuyến xe hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm đều được anh em Đại, Phát chở về các địa điểm như UBND phường/xã, hợp tác xã hoặc chủ các phòng trọ để nguồn hàng hóa này được chia đều đến mọi người và đảm bảo 5K trong phòng, chống dịch bệnh.
Hơn 1 tháng trôi qua, kỷ niệm làm hai anh em khó quên nhất là chở giúp rau muống tập kết về các dãy phòng trọ thuộc xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi. Trong nhiệm vụ này, hai anh em đi một chiếc xe chở 600kg rau muống, trong đó 200kg được chở đến các người dân ở phòng trọ thuộc xã Phước Vĩnh An và 400 kg còn lại giao địa điểm khác, lý do có sự chênh lệch rau là do nhà hảo tâm ủng hộ mỗi nơi khác nhau.
Tuy nhiên, khi anh em Đại, Phát giao đủ số lượng cho chủ các dãy trọ, nhiều người dân vẫn không nhận được vì 200kg là số lượng rất ít, trong khi lượng người ở trọ đông. "Giao xong, anh em tôi rời đi, nhiều người thấy trên xe còn rau nên chạy theo gọi với nhằm mong tôi nghe thấy nhưng tôi vờ như không nghe.
Ngồi trên xe, qua gương chiếu hậu, tôi thấy người già, trẻ nhỏ tiếc nuối nhìn theo mình, lòng tôi lúc đó quặn thắt nhưng không thể dừng xe lại cho được vì làm như vậy sẽ khiến nhiều người tụ tập, khó đảm bảo 5K trong phòng, chống dịch bệnh, tình cảnh đó khó ai mà cầm được nước mắt", anh Đại bộc bạch.
Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai của hai anh em là giúp đỡ những công nhân xây dựng bệnh viện đa khoa Củ Chi (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) bị "mắc kẹt" bởi dịch.
Do không rõ còn khoảng bao nhiêu công nhân nên hai anh em bỏ tiền ra mua 50kg gạo cùng ít rau, nước mắm giúp họ có sức vượt qua đại dịch. Nào ngờ, khi hai anh em đến mới thấy buồn vì ở đây có khoảng 100 công nhân, số lương thực có vẻ quá ít đối với họ.
"Những công nhân ở đây tranh thủ sau những trận mưa ra khu ruộng bắt ếch, mò ốc để ăn qua ngày. Những lán trại không đủ kín, mưa thì dột, nắng thì nóng hừng hực, nhìn xót xa lắm", anh Phát nói
Hai anh em song sinh chia sẻ thêm, "đi hỗ trợ mới thấy được bản thân đang hạnh phúc hơn nhiều người, hiểu được những nỗi khổ của nhiều người. Tuy có vất vả nhưng anh em mình mong mọi người cùng chung tay thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh, TP.HCM chắc chắn sẽ thành công chiến thắng đại dịch".