Sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đang mang đến nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho mọi doanh nghiệp khi khách hàng ngày nay có nhiều lựa chọn và trở nên khó tính hơn, đặc biệt là thế hệ NextGen. Thêm vào đó, dịch bệnh dai dẳng khó lường Covid-19 đang góp phần tạo ra nhiều khó khăn hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp muốn duy trì được sự dẫn đầu trong cuộc chơi hay sự phát triển bền vững, thì cần phải liên tục thay đổi và thích ứng kịp với thời đại. Nhìn lại lịch sử phát triển của những doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới qua nhiều thế kỷ, có thể thấy rất rõ điều này.
Theo các tác giả, bốn đặc điểm đặc trưng của những doanh nghiệp có thành công bền vững và lâu dài bao gồm: (1) Văn hóa kinh doanh dựa trên hiệu suất, (2) Tốc độ tăng trưởng nhanh (3) Sẵn sàng đón nhận những thay đổi liên tục (4) Lãnh đạo có tầm nhìn và chiến lược.
Điều thú vị là 70% các doanh nghiệp thất bại cũng có bốn đặc tính này - nhưng là theo cách cực đoan. Những doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề do tăng trưởng quá nhanh, quá trình thay đổi quá vội vàng, CEO quá chuyên quyền và cố chấp, và nền văn hóa dựa trên hiệu suất bị thổi phồng quá mức.
Nền văn hóa dựa trên hiệu suất
Một nền văn hóa dựa trên hiệu suất cực đoan được thể hiện qua đặc điểm như mức lương thưởng cao, chính điều này đã châm ngòi cho sự cạnh tranh và khiến nhân viên nảy sinh tư tưởng hám lợi. Những nhân viên bị hấp dẫn bởi nền văn hóa này sẽ nhanh chóng dứt áo ra đi nếu như doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, do vậy càng đẩy nhanh quá trình suy thoái của công ty hơn.
Tốc độ tăng trưởng nhanh
Tăng trưởng nhanh thường là kết quả của việc có nhiều hoạt động sáp nhập diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không kiểm soát được chặt chẽ quá trình này, thì rất dễ gánh những khoản nợ lớn, một điều vô cùng bất lợi khi công ty bước vào thời kì doanh thu thấp hơn. Kết quả là nguồn lực của họ cạn sạch, doanh nghiệp rơi vào cảnh vỡ nợ (ví dụ như Enron, công ty từng tăng trưởng 2.000% từ năm 1997 đến năm 2001), hoặc nợ nần chồng chất (như British Telecom, Deutsche Telekom, và France Telecom).
Ứng phó với sự thay đổi
Sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp thành công không chỉ là kết quả tất yếu, do những tác động của ngoại cảnh, đột phá về công nghệ, mà còn xuất phát từ một chuỗi những quyết định quản lý yếu kém mà khi kết hợp với nhau sẽ tạo cơ sở cho “Logic của sự suy thoái”. Các tập đoàn lớn như Eastern Airlines, Kodak, Xerox và Motorola đều là những ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng này.
Khả năng lãnh đạo
Bộ máy lãnh đạo, đặc biệt là người lãnh đạo cấp cao của tổ chức, doanh nghiệp nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng với sự tồn tại và phát triển của tổ chức. Tuy nhiên, nếu như trước kia việc tuân theo chuẩn mực giúp họ vươn lên vị trí lãnh đạo, thì ngày nay điều đó lại trở thành vật cản khiến nhiều người thiếu đi những phẩm chất lãnh đạo phù hợp với hiện tại. Họ không nhận biết được những dấu hiệu của đợt suy thoái tiềm tàng, không trau dồi được những kĩ năng mới, năng lực mới, để đối mặt với những khó khăn bất ngờ và khó chấp nhận. Thực tế, chế độ lãnh đạo chuyên quyền, đầy tham vọng, tự phụ và ngạo mạn của những người đứng đầu Đế chế Inca và Tập đoàn Nokia là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của cả hai.
Từ kinh nghiệm kinh doanh của bản thân, cũng như quá trình làm việc với hàng trăm quản lý cấp cao đến từ các tập đoàn quốc tế, những doanh nghiệp gia đình, những mô hình khởi nghiệp, các công ty tư vấn, những tổ chức công và phi chính phủ; hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams đã lần lượt phân tích và đưa ra các giải pháp thấu đáo cho các khía cạnh quan trọng tác động đến sự thành bại của doanh nghiệp kể trên.
“Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại” do Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành.