Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ba trường hợp tử vong do bệnh dại tại Đắk Lắk

Trần Huyền
Trần Huyền

Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng ở não, dây thần kinh. Bệnh thường bị bắt từ vết cắn hoặc vết xước của động vật bị nhiễm bệnh, thường là chó.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk sáng 20/2 cho biết, trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó 2 trường hợp trên địa bàn huyện Krông Pắc và 1 trường hợp trên địa bàn huyện Krông Búk.

Các trường hợp tử vong đều không tiêm vaccine phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, mèo cào.

cho can.jpg
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, cả năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Điều đáng lo ngại là hiện nay thời tiết ở Đắk Lắk đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2024, đây là mùa nắng nóng nên nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại.

Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; khi chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm... cũng cần chích ngừa định kỳ. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm vi-rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Ổ chứa vi-rút dại trong thiên nhiên thường là các loài động vật có vú như chó, mèo, dơi, cáo … Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại trên toàn thế giới. Hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở các nước nghèo vì không kiểm soát được bệnh dại ở động vật nuôi là chó, mèo.

Bệnh dại gồm các giai đoạn bệnh như sau: Giai đoạn ủ bệnh: trung bình 20-60 ngày nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau (y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 19 năm), thời kì ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.

Giai đoạn khởi phát: thường 2-10 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi-rút xâm nhập.

Giai đoạn toàn phát hoặc “giai đoạn viêm não”: thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.

Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp … Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng lên (hội chứng Landly) và thể hung dữ chiếm 80%.

Giai đoạn này thường kéo dài 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.

Chẩn đoán sơ bộ bệnh dại: thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.

Chẩn đoán xác định bệnh dại: bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi-rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ dìa tóc ở gáy bệnh nhân hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào. 

Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập vi-rút hoặc phát hiện RNA vi-rút bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) từ nước bọt, dich não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).

Nhuận Lê