Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh cơ bản đã được khống chế, song các trường hợp F0 vẫn tiếp tục xuất hiện, có thể kéo dài đến hết tháng 6. Hiện nay, toàn tỉnh có 763 bệnh nhân được xuất viện, có khoảng 500 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1 và lần 2. Trung bình mỗi ngày khoảng 800 đến 1.000 trường hợp F1 hoàn thành thời gian cách ly tập trung được trở về nơi cư trú.
Hiện tỉnh Bắc Giang đang thực hiện cách ly y tế 149 thôn, tổ dân phố; cách ly y tế 01 xã, phường, thị trấn; giãn cách xã hội 34 xã, phường, thị trấn và 42 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 3 huyện; giãn cách xã hội 05 huyện.
Nhận định nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng vẫn còn, số ca mắc ngoài cộng đồng phát hiện qua sàng lọc vẫn được phát hiện, song chỉ rải rác, không tập trung và không có nguy cơ bùng thành ổ dịch lớn do các địa phương thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, phong tỏa và giãn cách xã hội.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 289 khu cách ly tập trung trải rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Nếu không có biện pháp giám sát chặt và biện pháp giãn cách thích hợp, kịp thời sẽ rất dễ gây ra lây nhiễm chéo. Do đó, tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Tổ kiểm tra phòng, chống dịch tại các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát, giám sát quản lý chặt công tác phòng, chống dịch; chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện các quy định về quản lý cách ly tập trung, cách ly tại nhà ở các địa phương.
Để các doanh nghiệp đăng ký tham gia hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn yêu cầu Tổ chuyên gia của Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý công nhân. Sau khi hoàn thiện, trong khoảng 2 ngày tới, Sở Thông tin và Truyền thông cần nhanh chóng tổ chức tập huấn cho bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp. Đến hết ngày 20/6, phối hợp với các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện khai báo toàn bộ công nhân trên hệ thống nhằm hỗ trợ cho công tác truy vết và quản lý công nhân lao động.
Nhằm kiểm soát chặt dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên tất cả các mặt trận, đảm bảo sau ngày 21/6, tất cả các địa phương sạch bệnh trong cộng đồng, tạo đà khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung và coi đây là mặt trận hàng đầu trong đợt "Tổng tấn công" này. Các địa phương phải tiếp tục huy động sự vào cuộc của tất cả cộng đồng, các lực lượng. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, càng đến những ngày cuối của đợt "Tổng tấn công" càng phải quyết tâm và quyết liệt hơn.
Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tại các khu cách ly tập trung. Đây là "một trận đánh lớn - trận tổng tấn công" truy quét toàn bộ các khu vực, địa bàn dân cư; cho nên các địa phương cần phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể. Nếu lãnh đạo các địa phương chỉ có chỉ đạo bằng lời và làm việc qua loa thì trận đánh truy quét lần này sẽ khó thành công.
Đối với mặt trận chống dịch trong các khu phong tỏa y tế và các khu nhà trọ công nhân vẫn cần tiếp tục thực hiện theo tinh thần kỷ cương, nghiêm ngặt, không lơ là, chủ quan đến giây phút cuối cùng trong "Trận chiến chống dịch".
Tại cộng đồng dân cư, tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, các địa phương tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp cách ly xã hội hoặc giãn cách xã hội cho phù hợp. Trong đó, yêu cầu Nhân dân thực hiện biện pháp 5K; phát huy vai trò Tổ Covid cộng đồng,… Tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, để tiếp tục răn đe và hình thành ý thức tự giác phòng, chống dịch trong cộng đồng dân cư.
Đối với mặt trận điều trị bệnh nhân, ngành Y tế phải làm chủ công tác điều trị bệnh nhân, sau khi các lực lượng hỗ trợ rút khỏi và chuyển giao lại; giảm thiểu tối đa các bệnh nhân tử vong và giảm dần bệnh nhân F0. Sau khi các bệnh nhân khỏi bệnh sẽ được bàn giao ngay về các địa phương để quản lý theo dõi.
Căn cứ vào quy định chung của tỉnh, các địa phương linh hoạt các phương án, tổ chức kích hoạt các hoạt động sản xuất trên tất cả lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư, xây dựng… nhằm đảm bảo phát triển kinh tế không đứt gãy, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Song song với đó phải thành lập bộ phận để hướng dẫn kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải chủ động kế hoạch, phương án để hướng dẫn nông dân sản xuất; đối với các công trình xây dựng, các dự án đang triển khai, nếu đảm bảo an toàn cần phải được tiếp tục duy trì trên cơ sở thực hiện nghiêm biện pháp 5K trong lao động. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác tiêu thụ nông sản; chăm lo đời sống công nhân, nông dân lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.