Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bắc Giang phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nghề của vùng

Tuấn Thịnh
Tuấn Thịnh

Tỉnh Bắc Giang vừa tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Mục tiêu đề ra đến năm 2030 đưa Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm có uy tín của vùng ở một số ngành, nghề cốt lõi là xu thế phát triển, có tính lâu dài, bền vững.

Trong 10 năm toàn tỉnh đào tạo nghề cho gần 420.000 người

Hiện tỉnh Bắc Giang có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), cơ sở hoạt động GDNN (giảm 55 cơ sở so với năm 2014, giảm 10 cơ sở so với năm 2020), đạt 64,2% so với mục tiêu quy hoạch đến năm 2030. Trong đó, 5 trường cao đẳng (100% công lập); 5 trường trung cấp (2/5 công lập); 13 trung tâm GDNN (8/13 công lập) và 8 cơ sở hoạt động GDNN (1/8 công lập). Tổng quy mô tuyển sinh được cấp phép là 37.470 người/năm; trong đó, cao đẳng 2.160 người, trung cấp 7.940 người và sơ cấp 27.370 người. 

Từ năm 2014 đến tháng 9/2024, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo cho 418.340 người; trong đó, cao đẳng 14.046 người, trung cấp 47.885 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 356.409 người, đạt 105,6% chỉ tiêu kế hoạch.

Tỉnh Bắc Giang có 4 cơ sở GDNN có nghề trọng điểm các cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019.

Hiện Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp có năng lực đào tạo các ngành nghề trọng điểm phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, là cơ sở GDNN đạt tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định, có nghề được đầu tư trọng điểm đảm bảo đầu ra theo chuẩn quốc gia và khu vực.

Bắc Giang phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nghề của vùng - 1
Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang.

Tỉnh đã triển khai nội dung đào tạo nghề nói chung và đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng. Các chương trình, giáo trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDNN tổ chức xây dựng và rà soát, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp theo quy định, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò của hội đồng nhà trường.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các cơ sở GDNN thường xuyên rà soát, xây dựng mới chương trình đào tạo đối với các ngành, nghề đăng ký hoạt động GDNN mới, ngành, nghề doanh nghiệp có nhu cầu. Các chương trình đào tạo bảo đảm cấu trúc.

Đối với trình độ trung cấp: Lý thuyết chiếm 25 - 45%; thực hành, thực tập, thí nghiệm 55 - 75% thời lượng của chương trình. Đối với trình độ cao đẳng: Lý thuyết chiếm 30 - 50%; thực hành, thực tập, thí nghiệm 50  - 70% thời lượng của chương trình...

Song song với việc xây dựng mới chương trình đào tạo, các cơ sở GDNN tổ chức rà soát, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo các cấp trình độ linh hoạt, phù hợp công nghệ mới, công nghệ hiện đại, phục vụ nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động.

Kết quả, 100% cơ sở GDNN đã xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình khung của Bộ LĐ-TB&XH. Tổng số chương trình đào tạo được các cơ sở GDNN xây dựng là 143 chương trình; trong đó, trình độ cao đẳng 24 chương trình, trung cấp 61 chương trình, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 58 chương trình.

Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo nghề của vùng

Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2030 tiếp tục đổi mới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN, đưa Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm có uy tín của vùng ở một số ngành, nghề cốt lõi là xu thế phát triển, có tính lâu dài, bền vững.

Tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực liên quan đến sản xuất điện tử, cơ khí, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI); công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 53 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có ít nhất 1 trường cao đẳng chất lượng cao đủ năng lực thực hiện chức năng trung tâm vùng. Có trên 50% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 142.500 người; trong đó, cao đẳng 5.000 người, trung cấp 14.300 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 123.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 40 - 45%.

Bắc Giang phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nghề của vùng - 2
Sinh viên thực hành nghề công nghệ ô tô.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề và đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội... nhằm định hướng các hoạt động GDNN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, phát triển hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo. Quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển một số cơ sở GDNN, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới. Xác định các cơ sở GDNN công lập thuộc tỉnh quản lý là đầu tàu, dẫn dắt và có vai trò chính trong thực hiện các chủ trương phát triển lĩnh vực GDNN của tỉnh.

Thứ ba, thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN công lập để tham mưu sáp nhập, điều chỉnh ngành nghề đào tạo đảm bảo phù hợp yêu cầu phát triển. Thực hiện cơ cấu lại ngành, nghề đào tạo tại các cơ sở GDNN đáp ứng nhu cầu thị trường và định hướng phát triển.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, quan tâm đầu tư cho các cơ sở GDNN bảo đảm điều kiện theo quy định để đào tạo các trình độ GDNN, tăng cường tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo GDNN thuộc các cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập, bảo đảm 100% nhà giáo GDNN đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. 

Thứ năm, thường xuyên rà soát, đánh giá, sàng lọc và tuyển dụng mới, để xây dựng đội ngũ nhà giáo GDNN có chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chuyên môn và ngành nghề đào tạo. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý về nghiệp vụ quản lý GDNN và có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên.

Thứ sáu, chỉ đạo các cơ sở GDNN huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển; chủ động phối hợp với doanh nghiệp để người học được thực tập tại doanh nghiệp nhằm tranh thủ đội ngũ kỹ sư giỏi, thợ lành nghề tham gia hướng dẫn người học; tiếp cận với cơ sở vật chất, máy móc, công nghệ, thiết bị thực tế của doanh nghiệp, tăng kiến thức thực tế và kỹ năng nghề cho người học.

Thứ bảy, các cơ sở GDNN xây dựng và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên nhằm cam kết đảm bảo chất lượng, là căn cứ để giám sát, đánh giá chất lượng. Tổ chức thực hiện các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN giai đoạn tiếp theo. Thực hiện đánh giá chất lượng GDNN hàng năm theo quy định.

Thứ tám, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực về giáo dục, GDNN, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo, quản trị nhà trường. Tổ chức đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu của cơ sở trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định. Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN ở các cấp, đặc biệt là tại Sở LĐ-TB&XH, cấp huyện đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định...

Từ nay đến năm 2030 tỉnh Bắc Giang xác định phát triển GDNN, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp chính quyền, các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và người dân. Do đó cần có sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo mục tiêu đặt ra đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.