Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách

Bùi Minh
Bùi Minh

Đà Nẵng xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách - 1
Thành phố tập trung triển khai các chương trình, chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công... (Ảnh: Bùi Minh).

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, cùng với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các địa phương tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả và điển hình tốt sau học nghề.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, cập nhật bổ sung nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tể từng địa phương; chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cho lao động nông thôn;

Chú trọng đào tạo thực hành cho lao động nông thôn, nhất là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo.

Đặc biệt, đổi mới công tác hướng nghiệp, thực hiện tốt phân luồng trong giáo dục phổ thông phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn nghề;

Tập trung đào tạo lại nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hóa khu vực nông thôn. 

Triển khai thực hiện tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với người học và tình hình thực tiễn tại địa phương…

Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn. 

Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc đối tượng chính sách - 2
Tư vấn nghề cho học sinh tại Ngày hội giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng 2024 (Ảnh: Bùi Minh).

Triển khai các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Tập trung triển khai các chương trình, chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người mất đất sản xuất do ảnh hưởng của các dự án. 

Đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hoá phổ thông để nâng cao kiến thức văn hoá và kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động.

Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hoá, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác đào tạo nghề; khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề…

Tin liên quan
Gen Z và xu hướng ... nghỉ hưu sớm

Gen Z và xu hướng ... nghỉ hưu sớm

(LĐXH) - Thế hệ Gen Z (nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) đang "xâm chiếm" thị trường lao động. Có một xu hướng đang được Gen Z đón nhận đó...