Việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của trung ương thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của địa phương là điều phải làm, nhưng những vấn đề cụ thể đó có sát hợp với thực tiễn, với điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, với trình độ nhận thức của tỉnh, của từng vùng, từng xã hay không, đó mới là điều quan trọng. Theo đó, để tạo sự đồng thuận, phải thực hiện tốt công tác truyền thông, phổ biến các văn bản đã được ban hành bằng các hình thức phù hợp. Ngoài các biện pháp truyền thống đang thực hiện: đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị tập huấn thì quan trọng, hiệu quả nhất là lồng ghép triển khai, hướng dẫn tại các cuộc họp nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ của các tổ chức chính trị. Đây là hình thức triển khai hướng dẫn thực hiện phù hợp với trình độ nhận thức của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, đã nâng cao nhận thức của người dân, mà nhận thức đã được chuyển biến, nâng cao thì hành động cũng sẽ nhất quán, thưc hiện có hiệu là quả cao là điều tất nhiên.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH Bạc Liêu triển khai tập huấn điều tra rà soát hộ nghèo năm 2020.
Khi nhận thức đã chuyển biến tích cực, sẵn sàng hành động nhất quán thì điều quan trọng là nguồn lực để thực hiện, trong đó phải phân khai, tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cho phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách trung ương, tỉnh đầu tư theo quy định; hàng năm, Bạc Liêu đã tổ chức hội nghị trao đổi ý kiến của cán bộ công chức, viên chức, huy động sự ủng hộ, đóng góp tiền, các phương tiện sản xuất để giúp đỡ hộ nghèo. Qua đó, hàng năm tỉnh phân công các sở, ban, ngành trong tỉnh và 100% các phòng, ban, đơn vị cấp huyện, cấp xã nhận giúp đỡ hàng ngàn hộ nghèo (theo chỉ tiêu số hộ nghèo hàng năm đều được giúp đỡ), với tổng số tiền đóng góp giúp đỡ hộ nghèo trong 5 năm từ 2016-2020 trên 87 tỷ đồng (tương đương 23.825 hộ). Vì vậy, số hộ nghèo tái nghèo, phát sinh hộ mới rất ít (năm 2019 toàn tỉnh chỉ 4 hộ tái nghèo, phát sinh 92 hộ nghèo mới).
Lễ Tổng kết “Năm dân vận khéo” cấp tỉnh.
Cùng với giải pháp nhập giúp đỡ hộ nghèo, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện giải pháp về “Dân vận khéo”, “Ngày Dân vận khéo”, “Tổ chức về nguồn”. Hằng năm, tỉnh chọn một đơn cấp xã của cấp huyện để thực hiện “Năm Dân vận khéo”, “Ngày Dân vận khéo” của cấp tỉnh; Cấp huyện chọn một đơn vị cấp xã thuộc địa bàn để thực hiện “Năm Dân vận khéo” của cấp huyện; Cấp xã chọn một đơn vị ấp để hiện “Năm Dân vận khéo” của ấp; Lực lượng vũ trang, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức các hoạt động “Về nguồn”, qua đó tập trung sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị về chỉ đạo, lãnh đạo, tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn cộng đồng, tổ chức cá nhân để thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ các hoạt động “Dân vận khéo”, “Về nguồn” trong 5 năm qua (2016-2020,) tỉnh đã tổ chức được 9.099 cuộc tuyên truyền với 756.442 lượt người tham dự; Huy động, tập trung nguồn vốn đầu từ cho xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển đời sống là 1.192 tỷ 725 triệu đồng (ngân sách nhà nước 1.052 tỷ 557 triệu đồng; tổ chức, cá nhân đóng góp 140 tỷ 168 triệu đồng).
Từ những giải pháp, cách làm nêu trên, đầu năm 2016, tổng số hộ nghèo trong toàn tỉnh là 30.855 hộ, tỷ lệ 15,55%, đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3.068 hộ, chiếm 1,38%. Năm 2020, tỉnh đã phân công giúp đỡ 2.067 hộ (phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoản 0,5%); bình quân hàng năm giảm 3,02% (chỉ tiêu 2%/năm), đã hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước 2 năm.
Có thể khẳng định, tỉnh Bạc Liêu đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của trung ương kịp thời thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của địa phương, phù hợp với thực tiễn. Tỉnh triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, mà đặc biệt là các giải pháp thực hiện nêu trên, không chỉ giúp cho người dân tỉnh Bạc Liêu thoát nghèo bền vững trong những năm qua, mà còn tạo sự gắn kết, gần gũi hơn giữa cán bộ đảng viên với quần chúng nhân dân; lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng, quản lý điều hành của Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.
Nguyễn Hùng Thái (PGĐ Sở LĐTBXH Bạc Liêu)/TC GĐ&TE