Diện bao phủ đối tượng được mở rộng
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua, diện bao phủ đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn có xu hướng tăng lên. Nếu năm 2016, tổng số đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là gần 60 nghìn người, năm 2017 tăng lên gần 61 nghìn người thì đến hết năm 2018 đã lên con số 66.046 người, tổng kinh phí 151 tỷ đồng, trong đó người hưởng chính sách theo quy định chính sách đặc thù của tỉnh có 26.672 người, chiếm 40% tổng số người hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Mỗi năm, toàn tỉnh cũng có 35.757 đối tượng người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được nhận quà Tết Nguyên đán, riêng đối tượng trẻ em được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội được tặng quà là 300 nghìn đồng/người; hộ nghèo là 600 nghìn đồng/hộ.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách, tỉnh Bắc Ninh cũng đẩy mạnh xã hội hóa, vận động doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân quyên góp, trợ giúp kinh phí, thăm hỏi, tặng quà đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2016, tỉnh đã tặng quà cho 1.631 đối tượng với kinh phí gần 600 triệu đồng, tặng 100 xe lăn; dịp Tết Nguyên đán tặng quà bằng tiền mặt cho gần 6.300 hộ nghèo với kinh phí gần 2,6 tỷ đồng. Năm 2017, tặng quà cho 4.501 đối tượng với kinh phí gần 1,45 tỷ đồng, tặng 200 xe lăn; dịp Tết Nguyên đán tặng quà bằng tiền mặt cho 3.713 hộ nghèo với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. Riêng trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, tỉnh đã trích ngân sách gần 43 tỷ đồng tổ chức thăm, tặng quà 28.134 người có công; 1.201 Người cao tuổi tròn 90, 100 và trên 100 tuổi; 1.264 người đang sinh hoạt tại các cơ sở bảo trợ xã hội và 5.593 hộ nghèo.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Ninh và Công ty TNHH Phát triển du lịch Quốc tế Phượng Hoàng đến thăm và trao tặng 150 triệu đồng cho Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và hòa nhập Bắc Ninh. Ảnh: Thiên Thanh
Nâng mức trợ cấp đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Xuất phát từ mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn còn thấp, từ cuối năm 2018, Sở LĐTBXH Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số: 151/2018/NQ-HĐND quy định chế độ, chính sách về an sinh xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đối với người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn, chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác. Người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi là người có công, thân nhân người có công, vợ hoặc chồng liệt sĩ đi lấy chồng hoặc lấy vợ khác đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; là người không có lương hưu hoặc các khoản trợ cấp khác, hiện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được hưởng chế độ trợ cấp 150.000 đồng/người/tháng; người cao tuổi thuộc đối tượng từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi được hưởng: 200.000 đồng/người/tháng.
Đặc biệt, từ 1/1/2019, Bắc Ninh cũng đã nâng mức chuẩn quy định trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng từ 270.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2019, người cao tuổi ở Bắc Ninh sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Ảnh: Văn Quang
Để tăng cường hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội
Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác trợ giúp xã hội ở Bắc Ninh cũng còn một số khó khăn. Việc xác định mức độ khuyết tật ở cấp xã còn rất hạn chế, chậm giải quyết, có trường hợp bỏ sót, gây thiệt hại cho đối tượng trong diện được hưởng chính sách. Trong khi đó, việc chi trả trợ cấp hiện giao cho ngành bưu điện thực hiện, còn hồ sơ theo dõi các đối tượng bảo trợ xã hội lại do Sở LĐTBXH quản lý nên việc cập nhật số liệu chậm, xảy ra tình trạng cấp trùng, cấp nhầm.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phát huy hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, hiệu quả, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, cần tổ chức triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội; rà soát, điều chỉnh và bổ sung đối tượng, mức trợ cấp xã hội theo đúng quy định phù hợp với từng giai đoạn; nghiên cứu, đề xuất chính sách trợ giúp xã hội đặc thù phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả chính sách, phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng tham gia trợ giúp khẩn cấp; lồng ghép trợ giúp khẩn cấp với các đề án, chương trình, chính sách liên quan ở các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt, tác động của biến đổi khí hậu có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tỉnh cũng điều chỉnh, bổ sung chức năng quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội cho phù hợp; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết, chi trả trợ giúp xã hội; nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Đồng thời tiến hành quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có, hỗ trợ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có đủ điều kiện trợ giúp toàn diện cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
An Nhiên/GĐTE