Trao đổi với PV Báo Lao động và Xã hội (báo điện tử Dân sinh) về việc bị ban tổ chức bất ngờ tước vương miện Hoa khôi "Người đẹp du lịch Quảng Bình" hoa khôi Trần Ngọc Huyền cho biết, nguyên nhân mà ban tổ chức đưa ra là do tôi "đã vi phạm những quy định cam kết, làm mất đi hình ảnh đẹp của 1 đại sứ du lịch tỉnh Quảng Bình; mất uy tín của tổ chức; không có ý thức giữ gìn bản thân, danh hiệu mà mình đã đạt được; đã kết hôn và tự ly hôn trong thời gian 2 năm sau khi đạt giải..."
Ban tổ chức ra Quyết định căn cứ vào Điều 11 của Quy chế thi Người đẹp (Hoa hậu, Hoa khôi) ban hành kèm theo Quyết định 31/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2000 của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL). "Người đang giữ danh hiệu Hoa hậu - Á hậu, Hoa khôi - Á khôi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến danh hiệu sẽ bị cơ quan tổ chức cuộc thi tước danh hiệu", nội dung Điều 11 của Quy chế thi Người đẹp nêu rõ.
Tuy nhiên theo hoa khôi Trần Ngọc Huyền, từ khi chương trình diễn ra cho đến nay chưa làm gì "vi phạm pháp luật" gây ảnh hưởng xấu đến danh hiệu.
Bên cạnh đó, thí sinh Huyền cũng cho hay, sau cuộc thi, không nhận được bất cứ thông báo nào về hoạt động quảng bá du lịch cho Quảng Bình, thiện nguyện để tham gia. Sau nhiều tháng không được phân công công việc và không được trả thu nhập, Huyền đã chủ động rời Hà Nội để trở về Quảng Bình tìm việc làm thì nhận quyết định bị tước danh hiệu.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết, khoảng 1 tháng trước khi Ban tổ chức ra quyết định tước danh hiệu, bà Trần Bảo Linh - Tổng giám đốc Công ty EVACOM Việt Nam - Trưởng ban tổ chức cuộc thi có gửi cho Sở 01 văn bản thông báo những "nội dung vi phạm" của hoa khôi Trần Ngọc Huyền.
Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình cũng đã xem xét văn bản thông báo trên, nhưng nhận thấy nội dung thông báo chỉ mang tính chất chung chung, không cụ thể và xảy ra sau khi cuộc thi kết thúc.
"Việc này là trái quy định của Bộ VH-TT&DL vì theo các quy định hiện hành của Bộ, đối với các cuộc thi người đẹp, sau khi đại diện đơn vị tổ chức gửi thông báo tới các sở, ngành liên quan về cấp phép và quản lý nhà nước thì buộc phải có ý kiến đồng ý của cơ quan cấp phép tổ chức cuộc thi này là UBND tỉnh Quảng Bình mới được ra quyết định tước vương miện, thu hồi danh hiệu…", ông Nam khẳng định.
Ngoài ra, đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, từ thời điểm kết thúc cuộc thi "Tìm kiếm người đẹp Du lịch Quảng Bình năm 2019", ban tổ chức mà trực tiếp là bà Trần Bảo Linh - Tổng giám đốc Công ty EVACOM Việt Nam chưa hề liên lạc cho Sở về việc tước vương miện, thu hồi danh hiệu của hoa khôi Trần Ngọc Huyền.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, bà Trần Bảo Linh - Tổng giám đốc Công ty EVACOM Việt Nam - Trưởng ban tổ chức cuộc thi "Tìm kiếm người đẹp Du lịch Quảng Bình năm 2019" trình bày, trước khi ra quyết định thu hồi danh hiệu "Người đẹp Du lịch Quảng Bình" năm 2019, ban tổ chức đã gửi công văn cho bà Trần Ngọc Huyền 2 lần và yêu cầu Huyền viết bản cam kết không tái phạm, nhưng không đạt yêu cầu nên sau đó mới thực hiện ra quyết định thu hồi danh hiệu.
"Sau khi gửi các báo cáo cho UBND tỉnh Quảng Bình, Sở VH-TT và Sở Du lịch biết nhưng tôi không nhận được bất cứ một phản hồi nào. Vì thế tôi nghĩ sự im lặng của các cơ quan đó có nghĩa là đồng ý với việc quyết định tước vương miện Hoa khôi "Người đẹp du lịch Quảng Bình Trần Ngọc Huyền, bà Linh giải thích thêm.
Cũng theo bà Linh, ban tổ chức ra Quyết định là căn cứ vào Điều 11 của Quy chế thi Người đẹp (Hoa hậu, Hoa khôi) ban hành kèm theo Quyết định 31/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2000 của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL).
Liên quan đến việc tước danh hiệu của các thí sinh đã đoạt giải danh hiệu trong các cuộc thi người đẹp, Luật sư Lâm Hiền Phước (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, đơn vị tổ chức chỉ có thể tước và thu hồi danh hiệu của cá nhân đoạt giải theo điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định 79/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 15/2016/NĐ-CP: "Thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận".
Như vậy, vấn đề tước danh hiệu hay không tước danh hiệu, tùy theo mức độ vi phạm của thí sinh và cơ quan có thẩm quyền thu hồi danh hiệu là ban tổ chức cuộc thi người đẹp. Tuy nhiên, việc thu hồi danh hiệu phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp phép cho cuộc thi sắc đẹp.
Luật sư Phước khẳng định, việc Ban tổ chức cuộc thi hoa khôi "Người đẹp du lịch Quảng Bình" viện dẫn Quyết định số 31/2000/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2000 của Bộ trưởng Bộ VH-TT để xử lý thu hồi lại danh hiệu là không đúng quy định của pháp luật bởi Quyết định này đã hết hiệu lực kể từ 26/4/2006.