Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bánh chưng ngày Tết

Trần Huyền
Trần Huyền

Thế hệ 8X trở về trước, nhìn thấy bánh chưng là thấy Tết. Bởi ngày xưa, chỉ khi Tết đến, nhà nhà mới bắt đầu gói bánh. Những chiếc bánh chưng xanh cùng với sắc đào, sắc mai báo hiệu Tết đang đến rất gần.

Thấy bánh chưng là thấy Tết

Bánh chưng dường như là thức ăn không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.

Bánh chưng được bày trên ban thờ suốt 3 ngày Tết, xuất hiện trong bữa cơm tất niên chiều 30, trong các mâm cỗ cúng tân niên, hóa vàng… Trước Tết, người ta thường biếu, tặng nhau cái bánh chưng hoặc cây giò lụa.

banh-trung-lang-tranh-khuc-gdvn-2-2677.jpg

Nhớ hồi bé, gần Tết Âm lịch, bố tôi sẽ chuẩn bị củi khô để luộc bánh chưng. Bình thường, mẹ là người nấu ăn cho cả nhà, nhưng riêng việc gói bánh chưng Tết, bố tôi sẽ đảm nhiệm, mẹ là người chuẩn bị và sắp xếp nguyên liệu (lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn). Tôi còn nhỏ nên khi nhà gói bánh sẽ nhận rửa và lau lá dong.

Tuy bố rất hiếm khi đứng bếp nhưng tôi thấy bố gói bánh chưng rất khéo. Ông tự chế một cái khuôn gỗ để gói bánh, nhờ đó mà bánh chưng vô cùng vuông vức. Bánh luộc xong, bố sẽ vớt ra để ráo, rồi bày ra bàn từng chồng ngay ngắn.

Thường thì nhà tôi làm tầm 12-15 cái bánh để biếu ông bà nội, ngoại mỗi nhà một cặp và tặng một vài người bạn của bố mẹ, còn lại để thắp hương gia tiên và ăn dần. Bánh chưng nhà tôi được khen đẹp và ngon nhất nhì khu tập thể Sở Tài chính Hải Phòng ngày ấy.

Tôi rất vui khi mọi người khen bánh chưng nhà mình, vì trong đó tôi cũng có một phần công lao khi thức đêm cùng bố luộc bánh.

lang-co-Duong-Lam-Tet-011-3386-1643639901.jpg

Sau này, khi xây dựng gia đình, tôi lại được phụ bố chồng gói bánh chưng. Bố chồng tôi không dùng khuôn, ông gói vo bằng tay nhưng cái bánh chưng nào cũng vuông vắn và đều nhau.

Không chỉ gói bánh chưng mặn, bố chồng tôi còn gói bánh chưng ngọt với nhân là đỗ xanh và đường phên. Để nhào nhân đường, tôi phải khuấy đường liên tục trong một chiếc nồi lớn, công việc này khá vất vả.

Trong suốt mấy ngày Tết, trên mâm cơm nhà tôi cũng như hầu hết các gia đình đều có bánh chưng. Bánh chưng cắt ra ăn luôn hoặc đem rán cũng rất ngon. Mùa xuân mưa lất phất, cái rét len lỏi tới từng kẽ áo, ngồi trong gian bếp ấm cúng ăn một miếng bánh chưng rán nóng hổi thì còn gì tuyệt vời hơn.

Ngày nay, vì bánh có quanh năm nên đến ngày Tết, với nhiều người, bánh chưng cũng không còn là một niềm háo hức nữa. Nhưng dẫu cho quan niệm ăn uống đã có nhiều đổi thay thì với đại đa số các gia đình Việt Nam, bánh chưng vẫn là món ăn không thể nào thiếu được trên mâm cơm ngày Tết.

Nhiều trường học, đặc biệt là các trường mầm non tại các thành phố lớn hiện đang cố gắng hướng trẻ đến với các hoạt động văn hóa truyền thống thông qua các việc tổ chức thi gói bánh chưng, hội chợ đặc sản Tết, Tết quê… Nhiều bậc cha mẹ cũng tự lên mạng học cách gói bánh chưng và cùng các con gói bánh để dâng lên tổ tiên những chiếc bánh chưng do chính tay mình làm.

7d7ee44aa524aaf955a40fb34b0654e3hoi-cho.jpg

Tết không chỉ có bánh chưng

Ngoài bánh chưng thì Tết cổ truyền Việt Nam còn có vô số các món ăn đặc sắc khiến cho người ta chỉ nghĩ đến thôi đã thấy thèm. Canh măng móng giò nóng hổi, xôi gấc đỏ, dưa hành, nem rán, giò lụa, giò xào, gà luộc, miến gà, canh bóng thả, thịt đông, nem chua, bánh tét, bánh gio, lạp xưởng, chè kho… món nào cũng ngon và kích thích vị giác.

Thực ra, cuộc sống của người dân Việt Nam bây giờ đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Không cần phải đến Tết, người ta mới có thể được ăn ngon, mặc đẹp,  nhưng mỗi khi Tết về, như một thói quen, một nếp nghĩ ăn sâu từ trong tiềm thức, ai cũng muốn nấu hoặc mua những món ăn ngon nhất để đãi người thân, bạn bè và đồng nghiệp.

Ăn uống đôi khi chỉ là cái cớ để ta có dịp được ngồi bên nhau, để hàn huyên, tâm sự, ôn cố tri tân và nghĩ về những điều tốt đẹp trong năm mới.

Với trẻ em, Tết là kỳ nghỉ vui vẻ được nghỉ học, được về thăm ông bà và họ hàng, được đi chơi, được mặc quần áo đẹp, được ăn những món ăn ngon và lạ, được người lớn lì xì, được xem pháo hoa, được làm những điều mình thích…

Những trải nghiệm này tạo nên những ký ức đặc biệt trong tâm trí trẻ thơ.

Tết là những kỷ niệm khó quên, là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn trong không khí ấm áp và vui vẻ, là cơ hội để ta hiểu nhau hơn, cùng hướng tới một tương lại tươi sáng.

Minh Thư