Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo đảm an sinh xã hội: Cần nỗ lực hơn nữa!

 
Cứu trợ lương thực luôn là việc làm đầu tiên để đảm bảo ASXH cho bà con vùng xảy ra thiên tai. Ảnh Internet
 
Một số mặt hàng tăng giá – vấn đề đáng quan tâm
 
Mới đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống rất thấp, chỉ từ 25.000 -27.000 đồng/kg, nhiều nơi phát động phong trào “giải cứu” lợn. Ấy thế mà hiện nay tại nhiều tỉnh thành ở miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình… giá thịt lợn lại đang ở mức cao, dao động từ 54.000 - 56.000 đồng/kg. Ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An, giá thịt lợn hơi dao động ở mức 55.000 đồng/kg. Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi đang dao động từ 46.000 - 52.000 đồng/kg. So với năm 2017, giá thịt lợn hơi ở thời điểm hiên tại đã tăng 200%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của một số người dân, nhất là những gia đình thu nhập thấp.
 
Chưa hết, một mặt hàng quan trọng khác là xăng dầu cũng tăng đáng kể. Giá dầu bình quân năm 2018 tăng 20 - 25% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm, hiện nay ở mức 82 -85 USD/thùng (trong khi chúng ta dự tính giá dầu chỉ  50 – 60 USD/thùng). Điều này đã làm cho giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam tăng cao, cụ thể: Từ đầu năm, sau 18 đợt điều chỉnh (trong đó có 6 đợt tăng), giá xăng đã tăng gần 2.650 đồng một lít. Đến nay, giá bán lẻ vượt 22.000 đồng với RON 95 và gần 21.000 đồng với E5 RON 92. Đây cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay và không loại trừ vẫn còn có thể tăng thêm.
 
Trên đây chỉ là 2 trong số những mặt hàng tăng giá có thể ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu người dân, nghĩa là để bảo đảm cuộc sống người dân không bị xáo trộn, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến điều này. Tuy nhiên, việc một số mặt hàng tăng giá chưa phải là điều đáng quan tâm nhất trong việc bảo đảm ASXH trong những tháng cuối năm 2018. Theo dự báo, mùa đông năm nay đến sớm và sẽ lạnh hơn những năm trước đây; đồng thời, mưa bão cũng diễn biến phức tạp. Đây mới chính là vấn đề cần quan tâm nhất trong việc bảo đảm ASXH.
 
ASXH là một trụ cột trong phát triển bền vững
 
Để phát triển kinh tế, các bộ, ngành khác đóng vai trò quan trọng. Nhưng để bảo đảm ASXH thì vài trò của Bộ LĐTBXH là nổi bật. Bộ này chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm phúc lợi xã hội cho người dân. Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng hiểu rất rõ điều này.
 
Hiện nay, ASXH được coi là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững của Việt Nam. Nó vừa là mục tiêu, vừa là cơ sở để thực hiện các cải cách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước tới sự phát triển thịnh vượng. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu có ý nghĩa, cần phải tiếp tục phát huy. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo hệ thống ASXH bền vững, đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho mọi người dân. Vì vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế, chính sách xã hội nhằm để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa là mục tiêu lớn của chúng ta.
 
Hệ thống ASXH của Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. Đó là ASXH góp phần ổn định đời sống của người lao động. Nhờ có ASXH, người lao động khắc phục nhanh chóng được những tổn thất về vật chất, tinh thần nhanh để ổn định cuộc sống.
 
ASXH tạo điều kiện đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội.  Khi có rủi ro xảy ra với người lao động, hệ thống an sinh xã hội kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động nhanh ổn định cuộc sống và sản xuất. Tất cả những yếu tố đó góp phần quan trọng làm ổn định nền kinh tế - xã hội. 
 
ASXH góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Các loại quỹ, trong đó có quỹ Bảo hiểm xã hội, quỹ Bảo hiểm y tế, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp… là nguồn tài chính lớn được sử dụng để chi trả các chế độ cho người lao động và gia đình họ, phần nhàn rỗi được đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo tồn và tăng trưởng quỹ. 
 
Trong cuộc sống hiện đại, việc bảo đảm ASXH là vấn đề chiến lược, cần được quan tâm thực hiện chu đáo.
 
 
Đắp đập chắn sóng để đảm bảo an toàn cho dân trước mùa mưa lũ. Ảnh Internet
 
Để bảo đảm ASXH, cần nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp
 
Việt Nam là một đất nước ở vùng nhiệt đới nên luôn luôn phải đón nhận nhiều loại thiên tai khác nhau như: hạn hán, lụt lội, bão lũ, sụt lở đất, nước biển dâng… Đã bao đời nay, cha ông chúng ta đã đề ra được nhiều biện pháp phòng, tránh thiên tai có hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp chủ yếu phụ thuộc vào cách thức hoạt động của con người.
 
Dù các biện pháp phòng, tránh thiên tai luôn luôn được nhắc đến nhưng nếu con người tỏ ra chủ quan thì hậu quả vẫn khôn lường. Mùa mưa bão năm 2018 diễn biến rất phức tạp, mới vào cuối tháng Bảy nhưng bão lũ đã gây hậu quả nghiêm trọng. Xin nhắc lại vài con số để chúng ta thấy hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Trong năm 2016, hạn hán xâm nhập mặn lịch sử xảy ra trên diện rộng tại 18 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. 5 trận lũ lớn liên tiếp tại khu vực miền Trung gây ngập úng kéo dài… Thiên tai đã làm 286 người chết và mất tích, 5431 nhà bị đổ, sập, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng.
 
Năm 2017, là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó cơn bão số 10 và số 12 đổ bộ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đã làm 386 người chết và mất tích; 8.100 nhà đổ sập; 550.000 nhà bị ngập, tốc mái; 350.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng.
 
Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng, với thiên nhiên, trước hết phải phòng tránh; tiếp theo là cứu trợ; thứ ba là khắc phục hậu quả. Làm tốt được 3 điều này, chúng ta sẽ giảm nhẹ được hậu quả thiên tai, góp phần bảo đảm ASXH.
 
Trong 3 tháng cuối năm 2018, Bộ LĐTBXH đã lên kế hoạch thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ASXH, từ việc đóng bảo hiểm đến bảo hiểm tai nạn lao động; từ kiểm soát lạm phát đến cải thiện môi trường đầu tư; từ quan tâm đến người có công đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt, nêu các biện pháp phòng tránh bão lũ.
 
 
                         ASXH được bảo đảm nhờ quan tâm, chia sẻ
 
Việt Nam là một đất nước đang phát triển, vẫn còn nghèo nhưng luôn luôn ổn định. Có được điều này là nhờ ASXH cơ bản được bảo đảm.
 
Với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 53,5 triệu đồng (2.385 USD), Việt Nam đã thoát nghèo nhưng vẫn là quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tình hình chính trị - xã hội ở đây lại luôn luôn ổn định; người dân vui vẻ, phấn khởi tạo dựng hạnh phúc cho mình. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông; năm 2016, Việt Nam tổ chức đón vị khách du lịch quốc thế thứ 10 triệu; năm 2017, số lượng khách quốc tế 12.900.000 người. Chỉ sau 1 năm, số khách du lịch quốc tế tăng tới gần 30% là một con số ấn tượng.
 
Ở nơi nào khách du lịch quốc tế tăng, ở đấy ASXH được bảo đảm. Việt Nam bảo đảm được ASXH là nhờ có chính sách đúng đắn trong lĩnh vực này. Các thành phần của hệ thống ASXH ngày càng được củng cố; các chính sách trong lĩnh vực phúc lợi xã hội ngày càng được hoàn thiện. Điều quan trọng nhất là người Việt Nam luôn luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn. Sau mỗi đợt thiên tai tàn phá, người Việt Nam tuy chưa giàu nhưng sẵn sàng chia sẻ cái ăn, cái mặc với nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, điều tiết và hướng dẫn mọi hoạt động khắc phục hậu quả, từ việc cứu trợ đến giúp khôi phục sản xuất.
 
Việt Nam đang nỗ lực bảo đảm ASXH theo phương châm được cha ông tổng kết trong câu ngạn ngữ “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Điều này đã được thể hiện trong thực tế những năm gần đây và những năm sắp tới. Sự quan tâm, chia sẻ luôn luôn hiển hiện trong sinh hoạt của mỗi người dân.
 
                                                                                              My Hoàng

Hồ Trọng Đàm/TC GĐ&TE