Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo đảm quyền trẻ em trong thời kỳ dịch COVID-19

 

Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các cấp và Ban chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai các biện pháp ưu tiên bảo đảm các quyền trẻ em cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm các biện pháp hỗ trợ tâm lý, bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng chống nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em, chăm sóc dinh dưỡng phù hợp cho trẻ em.

Bộ LĐTBXH cũng xây dựng thông tin, tài liệu hướng dẫn bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại và sang chấn tâm lý cho trẻ em tại gia đình trong điều kiện học online, nghỉ học, đi học trở lại và phụ nữ, trẻ em tại các khu cách ly tập trung. Cụ thể, Bộ LĐTBXH phối hợp với UNICEF Việt Nam ra mắt ấn phẩm những điều cần biết để tự chăm sóc bản thân trong cơ sở cách ly. Đây là ấn phẩm dành cho trẻ em và người sắp thành niên đang ở trong cơ sở cách ly. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH đã hợp tác với UNICEF và UN Women xây dựng tài liệu hướng dẫn an toàn cho trẻ em và phụ nữ tại nơi cách ly tập trung trong phòng chống dịch COVID – 19. Theo đó, để đảm bảo an toàn về nơi ở, an toàn vệ sinh, dinh dưỡng, an toàn khỏi bạo lực và xâm hại tình dục cần thực hiện tốt các nội dung sau:

An toàn về nơi ở:

Ưu tiên bố trí cho họ khu ở và khu vệ sinh tách biệt với nam giới. Phòng của trẻ em nam và trẻ em nữ nên tách biệt. Trẻ em nếu có cha, mẹ, người thân cùng diện cách ly thì được bố trí ở cùng phòng. Phân công người cùng giới chăm sóc, bảo vệ trong trường hợp trẻ em không có cha, mẹ, người thân đi cùng.

Cửa ra vào, cửa sổ phòng ngủ, khu vực ngủ của họ có chốt, khóa bên trong chống đột nhập từ bên ngoài. Cổng, sân, hành lang nơi họ ở được chiếu sáng đầy đủ và nên có hệ thống camera an ninh. Phân công người chịu trách nhiệm thường xuyên giám sát an toàn khu ở, phòng ở của họ.

An toàn vệ sinh, dinh dưỡng

Ưu tiên bố trí khu vực nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, gần nơi ở nhất hoặc trong phòng ở; có đèn chiếu sáng, vệ sinh và an toàn nhất cho họ (có chốt, khóa bên trong; không ở gần hoặc có lối vào đi qua khu ở hoặc khu vệ sinh dành cho nam giới).

Bảo đảm chế độ ăn uống phù hợp về số lượng và chất lượng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em, đặc biệt trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh có mẹ là đối tượng nghi mắc, đang bị đe dọa mắc Covid-19 cần được chăm sóc nuôi dưỡng, phòng ngừa bệnh và kiểm soát nhiễm trùng theo các quy định phù hợp của ngành y tế, trong đó nuôi con bằng sữa mẹ vẫn được khuyến khích.

Giới thiệu, kết nối hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn, trị liệu về tâm lý và kiến thức, kỹ năng an toàn cho người mẹ và trẻ em: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Đường dây nóng của Bộ Y tế: 19009095 và 19003228, hoặc các dịch vụ tư vấn khác tại địa bàn.

Chuẩn bị điều kiện vệ sinh và phương án xử lý biến chứng, sinh sản an toàn đối với phụ nữ mang thai; hỗ trợ chăm sóc người mẹ, trẻ sơ sinh, tùy theo tuổi của trẻ, người mẹ cần được khuyến khích, và tạo điều kiện để tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ kết hợp với cho trẻ có các bữa ăn bổ sung hợp lý và chuẩn mực; ưu tiên không gian an toàn và riêng tư cho người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ; tạo điều kiện để bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong trường hợp người mẹ không thể cho con bú hoặc khi trẻ không thể trực tiếp bú mẹ.

Cung cấp đầy đủ nước sạch cho nhà vệ sinh, nhà tắm. Thường xuyên rửa, dọn hoặc có đủ dụng cụ để rửa, dọn nhà vệ sinh, nhà tắm. Cung cấp bộ đồ dùng vệ sinh cá nhân (khăn mặt, bàn chải và kem đánh răng, nước rửa tay, xà phòng hoặc nước tắm, nước gội đầu).

An toàn khỏi bạo lực và xâm hại tình dục

Ưu tiên bố trí nhân viên an ninh, bảo vệ và những người chăm sóc y tế là nữ giới thực hiện nhiệm vụ ở khu vực, phòng có phụ nữ và trẻ em hoặc cùng giới với trẻ em. Phân công một người quản lý chịu trách nhiệm chính về an ninh của cơ sở cách ly đặc trách việc bảo vệ trẻ em và phụ nữ. Người này có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, bảo mật, thu thập chứng cứ, báo cáo ngay lập tức thông tin về hiện tượng, nguy cơ, vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em, và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại địa bàn (Công an, cơ quan LĐTBXH các cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã).
Đảm bảo việc thực hiện các biện pháp cách ly khỏi nghi phạm hoặc thủ phạm, kết nối dịch vụ chăm sóc, trị liệu về tâm lý ngay lập tức đối với trẻ em, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục. Chỉ định một địa điểm dự phòng trong khu vực cách ly để cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục.

Phổ biến các tài liệu hướng dẫn, các sản phẩm truyền thông (bằng tiếng Việt, tiếng Anh) về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và phụ nữ trong cơ sở cách ly tập trung; số điện thoại 111 của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em, số điện thoại đường dây nóng dành cho nạn nhân của bạo lực giới – Ngôi nhà Bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam - 0946.833.380/0946.833.382/ 0946.833.384, số điện thoại của người có trách nhiệm về bảo vệ trẻ em và phụ nữ của cơ sở cách ly, số điện thoại bảo vệ công dân của Đại sứ quán nước có công dân cách ly tại cơ sở.

Cán bộ nhân viên quản lý và chăm sóc trong khu cách ly cần có kiến thức về phòng chống xâm hại trẻ em, bao gồm nhận thức về các dạng xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục; thông báo và kết nối với Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để yêu cầu giúp đỡ khi cần.

Minh Trí/ GĐTE