Mới đây nhất, vụ một bảo vệ dân phòng ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh đánh dã man 2 học sinh trong trường học đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ, đòi hỏi phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.Gần đây, tình trạng học sinh đánh nhau gây thương tích hay các vụ học sinh bị một nhóm bạn đánh hội đồng không còn là "chuyện lạ".
Một báo cáo mới đây của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong 1 năm học, toàn quốc đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường (khoảng 5 vụ/ngày). Đáng lo ngại hơn, bạo lực học đường xảy ra ở cả học sinh nữ, với rất nhiều lý do khác nhau từ "nhìn đểu" cho đến hiểu lầm, ganh tị, mâu thuẫn tình cảm, thậm chí thích thì... đánh.
Bên cạnh đó, tình trạng một số giáo viên có hành vi đối xử "bạo lực" như dùng lời lẽ mang tính mạt sát, thậm chí đánh học sinh cũng không hiếm. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có quy định cấm giáo viên sử dụng đòn roi để "phạt" học sinh nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhiều phụ huynh đã phải "kêu trời" khi con đang học tiểu học bị giáo viên hoặc bảo mẫu dùng thước kẻ đánh đến sưng hay bầm tím tay chân...Cũng phải kể đến một số vụ giáo viên bị bạo hành ngay trong trường học, bao gồm cả bị phụ huynh và đồng nghiệp hành hung gây xôn xao dư luận.
Theo một số chuyên gia giáo dục, nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường xuất phát từ nhiều phía: Tác động của mạng xã hội khi nhiều trẻ rơi vào trạng thái "sống ảo", muốn chứng tỏ mình thông qua những hành vi bạo lực; sự vô cảm, thiếu tình thương của giới trẻ. Đây là hồi chuông báo động để ngành giáo dục cần nhìn lại giáo trình giảng dạy trong suốt thời gian dài đã không chú trọng đúng mức đến dạy làm người, dạy kỹ năng sống cho các em.
Ngoài ra, một khi chính giáo viên cũng hành xử một cách bạo lực thì những hình ảnh này sẽ là "tấm gương" để học sinh "noi theo". Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường nảy sinh và trở nên phổ biến.Với bạo lực học đường, không thể chỉ mãi lo giải quyết sự vụ khi đã xảy ra mà phải xây để chống. Xây để chống ở đây chính là tạo nền tảng nhân cách, giáo dục các giá trị tinh thần, hướng đến các chuẩn mực đạo đức đúng đắn, bồi dưỡng tình yêu thương cho các em, giải quyết sớm những mâu thuẫn, bức bối ngay khi mới manh nha.
Hạn chế bạo lực học đường, xây dựng môi trường học đường thực sự thân thiện và an toàn cho trẻ cũng là một "điểm nóng" mà tân Bộ trưởng GD&ĐT cần quan tâm, bên cạnh những "việc cần làm ngay" mà ông nêu ra ngay sau khi nhậm chức, như: Đổi mới kỳ thi THPT, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và mong muốn thu nhập của người thầy được cải thiện.