Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bảo quản giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Đề án "Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của Đề án là bảo quản an toàn tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ tài liệu lâu dài; phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tài liệu mộc bản; phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

 

Đề án thực hiện trong 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2016 - 2020), tổ chức thực hiện công tác bảo quản tài liệu mộc bản; tổ chức thực hiện công tác phát huy giá trị tài liệu như biên soạn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu tài liệu mộc bản, xây dựng Trang thông tin điện tử về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật cho những người làm trực tiếp công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản này.

 

Lễ đón nhận bằng công nhận Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn

Giai đoạn II (2021 - 2025), tiếp tục thực hiện tu bổ, phục chế, gia cố tài liệu Mộc bản bị hư hỏng; xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu thông tin cấp 1 và phần mềm quản lý, khai thác tài liệu; phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn thông qua các hình thức: biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, xây dựng các bộ phim tài liệu; hội thảo chuyên đề; giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn vào các trường học...

 

Giới thiệu ý nghĩa của Mộc bản triều Nguyễn

Được biết, ngày 30/7/2009, Tổ chức Khoa học, Giáo dụcVăn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Mộc bản triều Nguyễn vào danh mục Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới”. Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in ra các sách được sử dụng phổ biến dưới triều Nguyễn.

 

Một phần Mộc bản triều Nguyễn

Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (được thành lập năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế. Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm, với 55.318 mặt khắc, chứa đựng nội dung của 152 đầu sách, với 1.935 quyển phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa giáo dục, tôn giáo - tư tưởng- triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự.