Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bến Tre chuyển mình từ phong trào “Đồng khởi mới”

(Dân sinh) - Phong trào Ðồng khởi năm 1960, mà đỉnh cao là Ðồng khởi ở Bến Tre đã đánh dấu bước ngoặt chiến lược của cách mạng miền Nam. Ðó là mốc son trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đã 61 năm trôi qua, giá trị lịch sử từ phong trào Ðồng khởi đến nay vẫn còn nguyên vẹn và đang được nhân dân Bến Tre tiếp tục phát huy phong trào “Đồng Khởi”, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện.

Phong trào Đồng khởi 1960 ở Bến Tre là sản phẩm từ Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khởi đầu từ 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, huyện Mỏ Cày đêm 17/1/1960, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh và phát triển mạnh mẽ trên khắp chiến trường miền Nam.

Thắng lợi của phong trào Đồng khởi là sự vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt, hiệu quả của 3 mũi giáp công: Chính trị - quân sự - binh vận, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, Bác Hồ và các cấp ủy Đảng ở tỉnh Bến Tre.Ngày 17/1/1960, tiếng súng diệt tên Ðội Tý - chỉ huy Tổng đoàn dân vệ ác ôn tại xã Ðịnh Thủy (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) nổ ra, mở màn cho cuộc Ðồng khởi lịch sử. Hàng chục nghìn người dân xuống đường, vũ trang, giáo mác, nổi trống mõ, diệt ác ôn, chiếm đồn địch…

Bến Tre chuyển mình từ phong trào “Đồng khởi mới” - Ảnh 1.

Đội quân tóc dài lực lượng nòng cốt của phong trào đồng khởi (Ảnh: tư liệu)

Từ phong trào Đồng khởi Bến Tre, các cuộc nổi dậy chống chính quyền tay sai lan rộng khắp các tỉnh miền Nam. Đến cuối năm 1960, ở nhiều nơi, quân dân ta đã giành được quyền làm chủ, mở màn cho cao trào mới của cách mạng miền Nam chuyển từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công và liên tiếp tấn công địch, giành thắng lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, vận dụng kinh nghiệm và bài học từ Đồng khởi, nhiều năm qua Đảng bộ tỉnh Bến Tre phát động phong trào thi đua "Đồng khởi mới". Biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào "Đồng khởi" trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện.

"Đặc biệt qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua "Đồng khởi mới" theo tinh thần Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 7/1/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX đã tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác xây dựng Đảng được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên; chính trị, tư tưởng và tổ chức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngày càng mạnh hơn, kinh tế phát triển toàn diện. Mặc dù năm 2020 Bến Tre chịu tác động kép của hạn mặn và dịch Covid-19, nhưng với tinh thần "Đồng khởi mới", hầu hết các chỉ tiêu của năm và cả trong nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đều đạt và vượt", ông Trần Ngọc Tam cho biết.

Bến Tre chuyển mình từ phong trào “Đồng khởi mới” - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam (bìa phải) khảo sát công trình ngăn mặn trên địa bàn tỉnh

Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo, toàn tỉnh có 920 hộ tham gia, trong đó 198 hộ sản xuất nông nghiệp, 173 hộ sản xuất phi nông nghiệp và có 549 lao động tham gia khởi nghiệp bằng việc đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài (chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc), mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 11 hoạt động, sự kiện triển khai thực hiện chương trình khởi nghiệp thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bến Tre đã có bước chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 34,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 15,6% năm 2011 giảm xuống còn gần 6%, thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo cả nước. Đã có 43 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo vùng nông thôn được đổi mới, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

"Có được kết quả trên là do Bến Tre đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung sức dân, phát huy tinh thần đoàn kết, chú trọng tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo, dạy nghề và giải quyết việc làm… đến cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành; đặc biệt chú trọng các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Chương trình giảm nghèo được triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, giúp người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống", ông Tam nhận định.

Bến Tre chuyển mình từ phong trào “Đồng khởi mới” - Ảnh 3.

Người dân Chợ Lách sản xuất cây giống

Nhằm phát huy những kết quả của phong trào Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre phát động, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Đồng khởi mới" năm 2021 với tinh thần "Đồng thuận - Sáng tạo"; phấn đấu đến năm 2030 Bến Tre vươn lên tốp khá của các tỉnh, thành trong khu vực và đến năm 2045 có thu nhập ngang mức thu nhập bình quân cả nước.

Bên cạnh đó các ngành, đoàn thể, Ban điều phối Dự án AMD triển khai xây dựng và nhân rộng 67 mô hình cho 661 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, như: Nuôi bò, nuôi dê, cây giống, hoa kiểng, buôn bán nhỏ, trồng nấm bào ngư, tổ hợp tác tép rang dừa…

Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 18 - 20 nghìn lao động, trong đó đưa khoảng 2.000 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; tỷ lệ giảm nghèo bình quân 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%...

Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử truyền thống Cách mạng Việt Nam, được nhân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình, chống áp bức trên thế giới biết đến như một sự kiện lịch sử trọng đại, một dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.