Hiện nay, toàn tỉnh có 23 cơ sở GDNN, quy mô đào tạo bình quân hàng năm khoảng 11 ngàn người, với các ngành nghề đào tạo: cơ khí cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, quản trị khách sạn, quản trị mạng máy tính, điện - điện tử, điện - công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2016 đạt 52,09%.
Lớp đào tạo nghề điện tử
Được biết, nhu cầu đào tạo hàng năm của tỉnh có 11 ngàn học sinh, 15 ngàn lao động tập trung vào các nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp, 1 ngàn lao động cần đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp để xuất khẩu lao động. Theo số liệu tổng hợp báo cáo nguồn nhân lực của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu đến năm 2020 dự kiến cần 467.160 lao động, chiếm 60% tổng số lao động tham gia hoạt động kinh tế; trong đó, lao động được đào tạo có bằng cấp và chứng chỉ 30%. Dự báo, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo giai đoạn 2017 - 2020 tại khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động là 608.580 lao động.
Sinh viên thực hành nghề
Theo đó, quy hoạch mạng lưới GDNN giai đoạn 2017 - 2020, ngoài các ngành nghề đào tạo hàng năm, tỉnh sẽ đào tạo trọng điểm các ngành nghề y khoa, điều dưỡng, du lịch, quản trị khách sạn theo nhu cầu khu vực quốc gia, ASEAN và quốc tế. Theo quy hoạch từ năm 2017 - 2020, hàng năm đào tạo cho thị trường lao động khoảng 10 ngàn người với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Ngoài ra, tập trung đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Giai đoạn sau 2020, bình quân đào tạo mỗi năm khoảng 12 ngàn lao động các cấp trình độ.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó chủ tịch UBND nhấn mạnh: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, quan tâm đến tâm lý của phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, cần có sự phối hợp hài hòa, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành trong khảo sát nhu cầu phát triển của xã hội. Từ đó, xây dựng mạng lưới GDNN cho phù hợp với sự dịch chuyển lao động nông thôn.