Bà Phạm Thị Nhu và anh Trần Thanh Tiến đau buồn kể lại sự việc
Sự việc đau lòng vừa xảy ra tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM. Ngay sau khi làm lễ tang cho bố, anh Trần Thanh Tiến, ở 55/8 Trần Đình Xu, quận 1, TPHCM đã gửi đơn đến báo Tiền Phong phản ánh nỗi oan ức về cái chết của bố mình là ông Trần Thanh Nam, 76 tuổi.
Ngày 24/3, ông Nam khó thở do có tiền sử bệnh phù đại động mạch nên được gia đình đưa vào Khoa Tim mạch của Bệnh viện Nguyễn Trãi điều trị. Sau sơ cứu và dùng thuốc, ông Nam có dấu hiệu hồi phục.
“Bố tôi tự ăn, đi vệ sinh, thậm chí còn đọc báo và nói chuyện với người thân” - anh Tiến kể lại. Tuy nhiên, sức khỏe ông Nam “có vấn đề” vào lúc 20 giờ ngày 26/3. “Chồng tôi gọi tôi và các con thông báo hơi mệt, khó thở và sốt”- bà Phạm Thị Thu, vợ ông Nam cho biết.
Theo bà Thu, khi thấy chồng khó thở, kèm sốt bà và con trai đã đến báo cho các điều dưỡng trực ở phòng cấp cứu của Khoa Tim mạch. Lúc này có 4 điều dưỡng, y tá nhưng họ không có phản ứng gì.
“Thấy chồng mệt, tôi chạy ra phòng cấp cứu chung ở gần cổng bệnh viện nhờ một bác sĩ trực ở đó. Nhưng vị bác sĩ ở phòng này từ chối với lý do “Vẫn còn nhiều người ở đây cần theo dõi” nên không thể vào Khoa Tim mạch được” - bà Thu nói.
Không tìm được sự trợ giúp, bà Thu chạy về khoa thì gặp một nhân viên và người này nói sẽ gọi bác sĩ giúp. Tuy nhiên, hơn 30 phút sau bác sĩ trực của Khoa Tim mạch tên Mai mới về đến nơi. “Lúc ấy, chồng tôi đã không sống nữa rồi”- bà Thu đau buồn kể.
“Ngày 3/4 gia đình tôi gọi điện cho giám đốc bệnh viện hỏi về xử lý trách nhiệm vụ việc đau lòng với bố tôi thì giám đốc hẹn thứ 2. Nhưng đến ngày 6/4 phía bệnh viện nói “vẫn đang yêu cầu kíp trực giải trình” và hẹn trả lời gia đình sau”.
Anh Trần Thanh Tiến cho biết, gần 30 phút sau khi bố mình bị khó thở, da mặt bỗng dưng trắng bạch, anh tiếp tục vào kêu các điều dưỡng. Lúc này các điều dưỡng ra đo huyết áp nhưng không đo được nữa. Gần 21 giờ, bác sĩ Mai trở về khoa và cũng nói rằng không đo được huyết áp. “Sau khi cấp cứu tích cực, một bác sĩ thông báo với gia đình rằng bố tôi đã chết do vỡ động mạch?!”, anh Tiến cho hay.
Phẫn nộ trước sự tắc trách của bệnh viện, anh Tiến gọi điện lên Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi phản ánh sự việc ngay trong đêm. Giám đốc bệnh viện hứa sẽ giải quyết sớm vụ việc. Theo lời anh Tiến, hơn 21 giờ ngày 26/3, anh Tiến gặp bác sĩ Mai hỏi tại sao bác sĩ trực bỏ mặc bệnh nhân như vậy thì bác sĩ Mai nói: “Chỉ đi ra ngoài chút xíu”.
Bà Thu cho rằng, các bác sĩ và điều dưỡng ở khoa này đã quá vô cảm trước nỗi đau của người bệnh. Bà nói không muốn bệnh viện bồi thường nhưng rất muốn lãnh đạo bệnh viện nghiêm túc kiểm điểm kíp trực và đội ngũ nhân viên của bệnh viện để các người bệnh khác không rơi vào tình trạng tương tự.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 6/4, bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi xác nhận vụ việc, đồng thời cho biết đã yêu cầu kíp trực tường trình lại sự việc cụ thể.
“Chúng tôi đã giao cho Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn tìm hiểu kỹ vụ việc. Ai sai tới đâu sẽ xử lý tới đó” - bác sĩ Tiến nói. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc bệnh viện, cũng khẳng định có sự việc đáng tiếc như trên và đang yêu cầu kíp trực báo cáo và cho biết khi có kết quả xử lý sẽ có báo cáo gửi cho báo Tiền Phong.
“Ngày 3/4 gia đình tôi gọi điện cho giám đốc bệnh viện hỏi về xử lý trách nhiệm vụ việc đau lòng với bố tôi thì giám đốc hẹn thứ 2. Nhưng đến ngày 6/4 phía bệnh viện nói “vẫn đang yêu cầu kíp trực giải trình” và hẹn trả lời gia đình sau” - anh Trần Thanh Tiến cho biết. |