Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi

Hơn 100 nhân viên bệnh viện Da Liễu là điều dưỡng, nhân viên hành chính, bác sĩ, bảo vệ… đã lắng nghe và cùng các gương mặt đại diện cộng đồng LGBT thảo luận về các chủ đề liên quan đến cảm nhận và nhu cầu được tôn trọng của cộng đồng LGBT khi đến cơ sở y tế.

"Ban Giám đốc bệnh viện rất quan tâm đến cộng đồng LGBT. Ban giám đốc đã làm việc với Khoa và chúng tôi sẽ bố trí một phòng khám riêng biệt và thân thiện cho cộng đồng LGBT. Nhân viên của chúng tôi đều đã được huấn luyện kỹ để đảm bảo phục vụ nhu cầu chăm sóc y tế của tất cả các bạn. Các bạn cứ yên tâm đến với chúng tôi", BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó Khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP HCM "hứa" trong buổi chia sẻ đầu tiên về giao tiếp ứng xử cho nhân viên y tế với cộng đồng LGBT, được tổ chức chiều 19/6 ngay tại bệnh viện.

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi - Ảnh 1.

Y bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Da Liễu cùng các gương mặt cộng đồng LGBT trong buổi chia sẻ chiều 19/6.

Hơn 100 nhân viên bệnh viện Da Liễu là điều dưỡng, nhân viên hành chính, bác sĩ, bảo vệ… đã lắng nghe và cùng các gương mặt đại diện cộng đồng LGBT thảo luận về các chủ đề liên quan đến cảm nhận và nhu cầu được tôn trọng của cộng đồng LGBT khi đến cơ sở y tế.

Anh Nguyễn Anh Phong (đại diện phía Nam của Mạng lưới người sống chung với HIV/AIDS VNP , tư vấn viên tại phòng khám Nhà mình- TP HCM, được cộng đồng mệnh danh là "anh cả" của người sống chung với HIV/AIDS), chị Huỳnh Nguyễn Tố An (thường gọi Jessica Cà, gương mặt hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng chuyển giới nữ, TP HCM) và bạn Nguyễn Mạnh Phúc (nhóm hoạt động cho quyền lợi của người chuyển giới nam FTM, tên thường gọi là DG Creo, TP HCM) đã chia sẻ về trải nghiệm cuộc sống nói chung và trải nghiệm chăm sóc y tế tại bệnh viện công lập của người chuyển giới và cộng đồng LGBT, cũng như các mong muốn đối với các nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh công lập.

"Em đã sống qua 19 năm bức bối, bị kỳ thị, bị tất cả bạn bè và gia đình tẩy chay, khi come out thì bị cha em rút thắt lưng đánh tơi tả. Em không hiểu mình sai chỗ nào nhưng cứ nghĩ chắc có lẽ mình đã sai lắm, tội lỗi lắm nên cha mẹ mới buồn vì mình như vậy. Đến lúc không chịu nổi, em tự tử.

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi - Ảnh 2.

May mắn được các bác sĩ cứu sống để giờ đây em được đứng đây chia sẻ với tất cả mọi người. Sau đó em đã nghĩ khác. Em hết sức làm việc và tạo được công ăn việc làm cho riêng mình, giúp đỡ các bạn chuyển giới khác đã từng giống như em hồi trước.

Tới giờ khi ký hợp đồng hay nộp thuế của công ty (Cà có công ty hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn và cung cấp trang phục biểu diễn - NV), em vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì tên và hình ảnh trong chứng minh nhân dân của em khác quá nhiều so với người thật. Nhưng giờ em không ngại gì hết nữa, em cũng không sợ kỳ thị. Rất nhiều người chuyển giới đã chết khi đấu tranh để được sống thật với mình, nên hôm nay em rất tự hào đứng đây để nói: "Tôi là một người chuyển giới", Tố An nói.

Đáp lại lời Tố An là những giọt nước mắt và tràng vỗ tay vang dội.

Phúc - DG Creo cho biết, lợi dụng pháp luật Việt Nam chưa công nhận quyền chuyển đổi giới tính, rất nhiều bạn chuyển giới nam đã bị một số cơ sở y tế vô lương tâm lợi dụng.

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi - Ảnh 3.

Phúc (đứng giữa).

Bộ ngực phụ nữ là đặc điểm sinh lý mà nhiều người chuyển giới nam không muốn tồn tại trên cơ thể mình nhất. Một số cơ sở y tế hứa hẹn phẫu thuật cắt bỏ vú cho các bạn nhưng theo cách "đa cấp": Hứa phẫu thuật miễn phí với điều kiện người đó phải rủ thêm được 5-10 người nữa đến làm (với 10 người này thì có thu phí). Tuy nhiên các bạn không được phẫu thuật bỏ triệt để tuyến vú mà tốn vài chục triệu, bộ ngực vẫn còn gần như y nguyên. Hoặc tạo vết sẹo lồi và rất dài vắt ngang chân ngực, hoặc tệ nhất là cả hai.

Mới đây một bạn chuyển giới nam thuộc FTM đã phải đi mổ lại lần thứ hai vì gặp trường hợp này.

Với các bệnh mà nhóm nam quan hệ tình dục với nam hay mắc như giang mai, sùi mào gà, do e ngại bị kỳ thị ở bệnh viện công nên các bạn chủ yếu đến các cơ sở y tế tư nhân. 

"Lợi dụng điểm này, chi phí chữa bệnh bị các nơi đó thổi lên cao gấp nhiều lần so với chi phí ở bệnh viện công lập. Họ còn đẻ ra nhiều dịch vụ khác để moi tiền người bệnh như bắt truyền nước hàng ngày. Có bạn mất 7 triệu cho một lần đốt sùi mào gà, có bạn mất tổng cộng 100 triệu đồng cho điều trị giang mai", Anh Phong nói.

"Tôi tin rằng nếu bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tiếp nhận ghi hồ sơ bệnh án nào đó… hiểu được có những câu nói hay thái độ có thể do vô tình hay do tò mò của mình nhưng lại gây tổn thương tới mức nào với cộng đồng LGBT thì họ sẽ không làm đâu. 

Mong các anh chị hiểu, một người rất nhiều năm bị kỳ thị vì những điều họ chẳng có lỗi gì cả, lại đang mang bệnh, đang mệt và lo lắng, mà vô bệnh viện khám bệnh thì bị phang một câu "Sao chơi pê-đê cho mang bệnh vậy?" thì có phát khùng không?", Phong nói.

"Tụi em đi khám bệnh trả tiền như tất cả mọi người. Chỉ mong bệnh viện đối xử với tụi em như với những bệnh nhân. Đừng hỏi tụi em về thói quen hay cách thức quan hệ tình dục của cá nhân tụi em nếu những điều đó không liên quan gì đến chữa bệnh", DG Creo nói thêm.

"Tụi em không cần thương hại. Tụi em chỉ cần được đối xử công bằng, hễ bệnh thì đi khám và được chữa trị như tất cả mọi người khác", Tố An khẳng định.

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi - Ảnh 5.

Ngắn gọn nhưng Phong, Tố An và Creo đã nói giùm nỗi lòng và mong muốn của hơn 300.000 người chuyển giới ở Việt Nam (theo khảo sát năm 2017 của iSEE-Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường). Còn tổng cộng cộng đồng LGBT là 2,6 triệu người (theo nghiên cứu dựa trên tỷ lệ trung bình, "an toàn" mà các nhà khoa học thừa nhận là 3% dân số).

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi - Ảnh 6.

Cà-Tố An trong một pha thảo luận với bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết việc chia sẻ để hiểu biết và cảm thông với cộng đồng LGBT không những là hành vi văn minh của con người, mà đầu tiên nó là trách nhiệm của các nhân viên y tế-nhất là với bệnh viện đặc thù như bệnh viện Da Liễu. Ông cũng khẳng định Ban giám đốc bệnh viện xem việc tham gia các cuộc tập huấn có nội dung này là bắt buộc với tất cả các nhân viên.

Bệnh viện Da Liễu TP HCM: Các bạn cộng đồng LGBT cứ yên tâm đến với chúng tôi - Ảnh 7.

Bác sĩ Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP HCM

Bắt đầu từ 1h trưa ngày làm việc cuối tuần, giờ giấc và thời tiết mưa kéo dài rất không ủng hộ nhưng cuối cùng buổi chia sẻ đã kéo dài hơn dự kiến gần một tiếng, mà người tham dự vẫn nán lại hỏi thêm và cảm thấy chưa đủ.

Sắp tới Bệnh viện Da Liễu TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức các buổi chia sẻ tương tự.

Từ tháng sau, vẫn trong chương trình đồng hành với Afamily.vn và các nhóm cộng đồng hoạt động vì quyền LGBT, bệnh viện sẽ có các buổi tư vấn bệnh miễn phí cho cộng đồng LGBT. Đây quả là một tin vui nữa, rất thích hợp để loan báo trong tháng 6 Tự hào của cộng đồng LGBT.