Chia sẻ cơ sở dữ liệu, gia tăng giá trị sử dụng
Trên cơ sở định hướng kiến trúc Chính phủ điện tử, từ năm 2016, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng thành công cơ sở dữ liệu (CSDL) của hơn 90 triệu người với hơn 10 trường dữ liệu cơ bản. Đây là cơ sở để Ngành hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nghe báo cáo tiến độ triển khai các phần mềm nghiệp vụ của Ngành (tháng 8/2019).
Ngành cũng đã triển khai đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng, trong đó có Bộ công cụ tập trung dữ liệu tại Trung ương để quản lý 3 mảng nghiệp vụ quan trọng gồm: Thu, sổ thẻ và quản lý tài chính - tiến tới xây dựng hệ thống phần mềm tổng thể, thống nhất, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ khác. Cùng với đó, tích cực xây dựng hệ thống trao đổi, tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ Ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: Thuế, Hải quan, kế hoạch đầu tư, Tài chính, LĐTBXH, Y tế, Ngân hàng và cơ sở khám chữa bệnh... Theo đó, ngành BHXH đã chia sẻ dữ liệu với cơ quan Thuế để kiểm soát việc trốn đóng BHXH và chống thất thu thuế; kết nối chia sẻ dữ liệu với Bộ Tư pháp rút ngắn thời gian kê khai làm thủ tục cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; kết nối với Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cung cấp đối tượng tham gia BH thất nghiệp, hỗ trợ Cục Việc làm trong việc giải quyết hồ sơ cho người tham gia BH thất nghiệp hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp...
Liên thông dữ liệu với gần 100% với cơ sở khám chữa bệnh
Dự án CNTT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng được Ngành triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực là hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT, giám định chi phí KCB BHYT phát sinh và hệ thống CSDL hộ gia đình tham gia BHYT - nền tảng hình thành CSDL quốc gia về BHXH, BHYT. Qua hệ thống này, ngành BHXH đã kết nối liên thông dữ liệu với gần 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT.
Hiện nay, hệ thống CSDL của BHXH phục vụ hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT; liên kết với hơn 11.000 điểm đại lý bưu điện, hỗ trợ người dân dễ dàng tham gia BHXH, BHYT. Cùng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành hệ thống CNTT, BHXH Việt Nam cũng chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm dịch vụ khách hàng- đầu mối giải đáp chính sách và hỗ trợ tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của ngành BHXH - hoạt động 24/7. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đang tập trung nghiên cứu dự thảo về sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử để triển khai thí điểm trong thời gian tới, chậm nhất đến năm 2020 sẽ thực hiện cấp đầy đủ sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử; từng bước hoàn thiện CSDL về BH (1 trong 6 danh mục CSDL quốc gia cần được ưu tiên triển khai theo Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Ảnh minh họa
Số hoá dữ liệu ngành BHXH
Đến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một số CSDL quan trọng phục vụ quản lý nghiệp vụ chuyên ngành của các cơ quan BHXH từ Trung ương tới địa phương. Trong đó, có CSDL phục vụ cho CSDL quốc gia như: CSDL hộ gia đình tham gia BHYT; CSDL sổ BHXH, thẻ BHYT và quá trình tham gia BHXH, BHYT; CSDL người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; CSDL thuốc, hoạt chất và vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong danh mục được thanh toán KCB BHYT; CSDL hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT, kết quả giám định thanh toán chi phí KCB BHYT.
Đối với mã số BHXH, Ngành đã cấp và quản lý tập trung trên CSDL hộ gia đình tham gia BHYT. Mục tiêu cấp mã số là nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, đồng thời làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử. Việc cấp mã số BHXH mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH mà còn cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng như cho đơn vị sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện số hóa và lưu trữ dưới dạng điện tử gần 5 triệu hồ sơ giấy của đối tượng tham gia BHXH, tương đương 25 triệu trang tài liệu điện tử để BHXH 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH cấp huyện và BHXH Bộ Quốc phòng khai thác, sử dụng. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, BHXH đã tích cực triển khai văn phòng không giấy tờ tại cơ quan BHXH các cấp. Việc triển khai chuyển đổi số đã làm nâng cao tốc độ, hiệu quả công việc, hiệu lực quản lý, đồng thời đảm bảo tính chính xác của công việc, hạn chế sai sót, tiêu cực và tăng cường giám sát thực thi công vụ…
Hiện nay, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng “Hệ sinh thái 4.0 ngành BHXH” phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ tiện ích, hiện đại. Ngoài dịch vụ tin nhắn tra cứu đã đi vào hoạt động, thời gian tới, sẽ triển khai tiếp dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; Hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác dữ liệu trên hệ thống dữ liệu tập trung (BigData)…
Thanh Nghị/TC GĐ&TE