Ảnh minh họa
Không có bí mật nào là vĩnh viễn
Bất kỳ quốc gia nào thì vẫn phải có những điều bí mật, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Những vấn đề quan trọng được xem là bí mật quốc gia. Vì vậy, chúng ta đã quen với việc ai đó làm lộ bí mật quốc gia thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về mặt nguyên tắc, tất cả những điều bí mật đều có thời hạn. Vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới có luật giải mật, quy định thời hạn để có thể công bố những điều được giữ kín trong quá khứ. Điều này có lợi nhiều mặt, vừa làm thỏa trí tò mò của người dân, vừa làm cho những nhà báo, nhà văn có tư liệu để hành nghề.
Riêng ở Việt Nam, cho đến thời điểm này vẫn chưa có luật giải mật, vì thế, về nguyên tắc, những điều đã được quy định là bí mật vẫn được giữ kín, ai công bố những điều này có thể bị truy tố trước pháp luật. Do đó, một số nhà báo khi viết về những điều diễn ra trong quá khứ, khai thác tài liệu mật xảy ra cách đây cả nửa thế kỷ vẫn lo ngay ngáy. Hơn nữa, lợi dụng vấn đề bảo mật, một số bộ, ngành còn định đưa những vấn đề giá cả hay một số hợp đồng kinh tế vào loại tài liệu mật. Điều này gây ức chế, gây phương hại đến tự do báo chí, không có lợi cho việc nghiên cứu lịch sử, viết báo, viết văn…
Tôi đã nhiều lần đề nghị (sử dụng diễn đàn hội thảo, bảo vệ luận án tiến sĩ ngành lưu trữ) phải có luật giải mật mà chưa được đáp ứng.
Về nguyên tắc, không có bí mật quốc gia vĩnh viễn, vì thế, phải có chính sách giải mật hợp lý để chứng tỏ chúng ta đang tiến tới xã hội văn minh.
Sự minh bạch về bí mật và giải mật đang đến
Điều này có được vì Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước vừa được công bố. Theo đó, thời hạn giải mật bí mật Nhà nước là 40 năm (độ tuyệt mật), 30 năm (độ tối mật) và 20 năm (độ mật). Bộ Công an là cơ quan soạn thảo Dự thảo luật này cho biết: Đây là lần đầu tiên pháp luật quy định về thời hạn giải mật.
Tờ trình Dự thảo luật của Bộ Công an cho biết, qua nghiên cứu pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của một số nước trên thế giới, Bộ đã xây dựng quy định thời hạn giải mật bí mật Nhà nước trong khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào độ mật của tài liệu. Điều đáng chú ý là “cơ quan soạn thảo, tạo ra bí mật nhà nước có quyền gia hạn thời hạn giải mật”. Đây là sự cẩn thận cần thiết.
Dẫu sao thì cũng đã có những tín hiệu rõ ràng về chính sách giải mật của Nhà nước. Điều này khiến cho không khí tự do, dân chủ như được tiếp thêm sinh khí. Chúng ta phải vui về điều này.
Nghè Nghệ/TC GĐ&TE