Ngày 15/8, TS Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạm dừng giảng dạy trực tiếp và việc tuyển sinh cũng rất khó khăn.
Cũng theo TS Bùi Văn Hưng, để tăng cường học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thì cần phải đổi mới cách làm, thay đổi cách tiếp cận trong tuyển sinh.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải hình thành mô hình tuyển sinh gắn với tuyển dụng, trong quá trình học nghề học viên có lương, không đóng học phí.
"Muốn làm được như vậy, phải đổi mới tư duy mạnh mẽ về việc tổ chức đào tạo, phải gắn chặt với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải cùng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, tạo ra sản phẩm học nghề; đưa sản phẩm học nghề thương mại hóa tạo thương hiệu cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp', TS Bùi Văn Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Bùi Văn Hưng, trước khi tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khảo sát nhu cầu đào tạo, nhu cầu việc làm để làm cơ sở, dữ liệu trước khi xây dựng kế hoạch đào tạo, phải xem khảo sát nhu cầu đào tạo là xuất phát điểm của đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Trong bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tập hợp các dữ liệu dưới hình thức mô phỏng hóa các sản phẩm học nghề của từng nghề đã được các em học sinh làm ra; hình thành các buổi hướng nghiệp trực tuyến theo chuyên đề, hướng nghiệp trước đào tạo, hướng nghiệp trong đào tạo, hướng nghiệp sau đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sang hoạt động hướng nghiệp trực tuyến về chọn nghề, chọn trường cho các em học sinh.
Thời gian qua, nguồn tuyển sinh của doanh nghiệp, lao động tự do chưa được tiếp cận mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không thay đổi cách tiếp cận nguồn tuyển sinh mà chỉ tập trung vào tuyển các em học sinh trung học phổ là khó đạt được mục tiêu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Vì vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tập trung thêm các đối tượng, như: doanh nghiệp, người lao động chuyển đổi nghề, người học học bổ sung kỹ năng nghề làm việc, liên thông các văn bằng giữa giáo dục nghề nghiệp ….
TS Bùi Văn Hưng cũng chia sẻ thêm, một trong những giải pháp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt được mục tiêu là phải dấn thân dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các em học sinh tham gia học nghề ngay từ khi các em học sinh bước vào cuối cấp, bằng những chuyên đề gắn với nghề nghiệp.
Theo TS Bùi Văn Hưng để làm được việc này cần phải tiếp cận mô hình hướng nghiệp và tuyển sinh trong trường dạy nghề, đó là hướng nghiệp trước đào tạo, hướng nghiệp trong đào tạo, hướng nghiệp sau đào tạo. Tuy nhiên, trước bối cảnh đại dịch covid-19 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải mã hóa, chuyển đổi các nội dung sang số hóa để triển khai thực hiện, và thực hiện theo mô hình trực tuyến. Nếu làm được thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có thể đạt được mục tiêu, phát triển bền vững.