Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, hiện nay, TP. HCM đang đối mặt với một cuộc chiến chống dịch COVID -19 chưa có tiền lệ và rất khốc liệt, đặt thành phố vào tình huống buộc phải ứng phó để vượt qua. Điều đó đòi hỏi sự năng động sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân.
Bí thư vui mừng khi việc áp dụng mô hình giúp giảm được số ca tử vong. Đặc biệt, từ hiệu quả ở quận 10, mô hình kịp thời triển khai ở quận 8, nơi có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp. Đánh giá đây là mô hình rất hay và hiệu quả mà TP.HCM đang cần, đồng chí chỉ đạo UBND TP.HCM phải sớm nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố.
Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng gợi ý có thể tổ chức tập huấn hỗ trợ các địa phương triển khai mô hình để sớm đưa vào hoạt động bài bản, giúp giảm áp lực cho tuyến trên, góp phần tạo điều kiện để việc chăm sóc, điều trị F0 trở nặng được tốt hơn.
Báo cáo với Bí thư, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, mô hình này chia làm 2 đội. Trong đó, đội tư vấn sàng lọc F0 tại nhà, nếu ghi nhận có dấu hiệu trở nặng sẽ chuyển thông tin đến đội 2 đưa đi cấp cứu. Tại trạm cấp cứu ngoại viện, nếu bệnh nhân khỏe lại sẽ đưa về nhà, còn trở nặng hơn được chuyển đi đến các bệnh viện điều trị Covid-19 của TP. HCM. Mô hình này giúp F0 an tâm ở nhà chăm sóc và theo dõi sức khỏe, giảm tải cho TP. HCM.
Điểm quan trọng nữa là mô hình này giúp bác sĩ nhận diện tình trạng bệnh để chuyển viện đúng tầng, làm giảm tải các khu cách ly, bệnh viện điều trị Covid-19. Đặc biệt, xử lý kịp thời những trường hợp F0 trở nặng giúp tăng cơ hội sống cho người bệnh. Tính phổ biến của mô hình là không cần lực lượng nhiều và chỉ cần sử dụng các ứng dụng hiện nay như viber, zalo… là có thể thực hiện được.
Đề cập chi tiết hơn về quy trình hoạt động của mô hình, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y Trường Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, đội tư vấn sàng lọc F0 từ xa sẽ chủ động liên lạc với F0 đang cách ly tại nhà để tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, theo dõi sức khoẻ. Một tổ tư vấn chỉ cần 1 bác sĩ và 2 - 3 sinh viên khoa y tham gia tư vấn cho nhiều F0 tại nhà. Từ đó đội này phân loại nguy cơ và sớm nhận diện F0 có dấu hiệu trở nặng để kịp thời thông báo cho trạm cấp cứu ngoại viện.
Đội cấp cứu của trạm cấp cứu ngoại viện sẽ đến đưa F0 về trạm cấp cứu, chăm sóc chuyên sâu. Nếu F0 ổn định sẽ đưa về nhà tiếp tục theo dõi, trường hợp F0 chuyển nặng, các bác sĩ sẽ phân tích tình trạng bệnh để đưa đến đúng tầng điều trị của TP. HCM. Từ đó giúp giảm tải rất nhiều cho các tầng điều trị.
Tiếp theo, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại quận 11, trong đó có việc tiêm ngừa, đảm bảo an sinh xã hội cũng như chăm lo F0…
Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND Quận 11 Trần Phi Long cho biết, tính đến 13/8, trên địa bàn quận có 4.276 trường hợp F0, trong đó các bệnh viện đang thu dung, điều trị cho 1.719 trường hợp; các bệnh viện tuyến quận đang điều trị cho 211 trường hợp.
Các khu cách ly của quận Phú Nhuận đang tập trung 269 trường hợp; cách ly tại nhà 1.340 trường hợp và 644 trường hợp đã kết thúc điều trị.
Quận đã tiêm vaccine đạt gần 95%. Số còn lại (là F0, người cam kết không tiêm, người đi ra khỏi TP. HCM chưa về quận được…), quận sẽ rà soát và tiêm vét. Quận cũng xây dựng kế hoạch tiêm đợt 2 và kiến nghị được bố trí vaccine để tiêm ngừa trong thời gian quy định.
Đối với F0, quận có lập tổ tư vấn, hỗ trợ điều trị tại nhà và thuê xe chụp X-quang di động để chụp, đánh giá mức độ tổn thương phổi của F0. Đây là căn cứ quan trọng để quận hỗ trợ, xử lý tiếp theo như cách ly tại nhà, đưa vào khu thu dung của quận hoặc chuyển lên tuyến trên. Quận cũng lập tổ tư vấn với các y, bác sĩ (có hơn 200 y, bác sĩ tư nhân tham gia) trực tiếp tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà… Từ những cách làm trên, số F0 trở nặng ở quận giảm, đặc biệt số ca tử vong giảm rõ rệt.
Bí thư Thành ủy TP. HCM biểu dương, đánh giá cao những kết quả khá tốt, khá toàn diện mà quận 11 thực hiện được, nhất là tỷ lệ tiêm ngừa đạt mức ấn tượng. Đồng chí biểu dương những nỗ lực, sự tập trung trí tuệ của địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao với cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Đó là việc huy động được các nguồn lực trên địa bàn, với sự tham gia của 200 y, bác sĩ tư nhân. Đặc biệt là việc quận 11 đi thuê máy X-quang di động để đi khắp các nơi chụp hình phổi cho F0. Những cách làm này cần phát huy để hạn chế tối đa F0 tử vong. Cùng với đó là nỗ lực giảm số ca mắc mới, giảm các trường hợp tử vong và phải giữ vững, mở rộng “vùng xanh” nhiều hơn, vùng an toàn phải cao hơn… Điều này có ý nghĩa quan trọng để đến ngày 15/9, TP. HCM kiểm soát được dịch bệnh.
"Bên cạnh công tác phòng chống dịch, chính quyền các cấp phải tập trung xử lý vấn đề an sinh xã hội, duy trì sản xuất kinh doanh đối với các mặt hàng thiết yếu". Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng lưu ý.