Xử lý rác thải chủ yếu chôn lấp
Theo thống kê của Bộ TN&MT, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày; khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.
Trong khi đó, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng kịp.
Năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69%.

Đặc biệt, việc xử lý rác thải gặp rất nhiều khó khăn. Cả nước có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải, bao gồm 470 lò đốt với hơn 1.200 bãi chôn lấp, tăng khoảng 120 bãi so với năm 2019.
Trong hơn 67.000 tấn rác thải/ngày, có khoảng 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và khoảng 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt, trong đó thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%.
“Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn.
Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp có đến 2/3 được đốt tiêu hủy bằng lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí”, ông Nguyễn Quang Huân, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết.
Năm 2020, Luật BVMT được Quốc hội ban hành, thay thế cho Luật BVMT 2014. Có rất nhiều nội dung mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đối với quản lý rác sinh hoạt, có một số điểm mới cần được nhận thức rõ như: lần đầu tiên quy định bắt buộc phải phân loại rác thải, không còn là khuyến khích như các luật ban hành trước đó (nếu không phân loại sẽ bị từ chối thu gom và bị phạt).
Rác được phân thành 3 loại: Có khả năng tái chế, thực phẩm, khác (bao gồm nguy hại, cồng kềnh và rác thông thường khác); nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền: phải trả tiền theo lượng rác thải ra (PAYT), phải đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định;
Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng và nhân công theo hợp đồng ký kết để thu gom vận chuyển xử lý rác đã phân loại; phân cấp mạnh mẽ trong quản lý rác.
“Đổi rác lấy tiền”

Dự án "Vracbank - Đổi rác lấy tiền" đã được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai trên các địa bàn: Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên (Quảng Ninh).
Với mô hình Vracbank, người dùng được tạo một tài khoản riêng nhằm quản lý dữ liệu gửi rác. Rác được thu gom, phân loại sau đó mang tới “ngân hàng rác” để cân và quy đổi ra thành tiền hoặc điểm tích lũy trong tài khoản.
Ý tưởng “ngân hàng rác” xuất phát từ thực tiễn, các nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng giá thành tăng cao.
"Công ty đã ứng dụng xử lý chất thải làm nguyên liệu thay thế trong lò nung clinker, tận dụng được nguồn năng lượng do đốt chất thải để lấy năng lượng nung clinker vừa làm giảm tiêu hao than giúp giảm phát thải khí CO2 vừa thay thế các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu như đốt thông thường, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường”, ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cho biết.
Còn Công ty tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling - DTR) đã ghi được dấu ấn bằng việc tạo ra “vòng đời mới” cho các sản phẩm nhựa. Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững của DTR cho biết, nhà máy tái chế nhựa của DTR được xây dựng cuối năm 2019 tại Long An và đi vào hoạt động từ năm 2020.
Hiện mỗi năm nhà máy có thể thu gom, xử lý và tái chế 30.000 tấn nhựa PET, dự kiến tới đây tăng gấp đôi công suất, lên 60.000 tấn/năm. Với nhựa HDPE và nhựa PP, công suất hiện tại là 10.000 tấn/năm mỗi loại và dự kiến nâng gấp 3 công suất lên 30.000 tấn/năm.
Tương tự, Nestlé Việt Nam đã thực hiện mô hình tuần hoàn sử dụng bã cà phê thành nguyên liệu sinh khối thay thế dầu đốt. Bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối thay cho nhiên liệu đốt để vận hành lò hơi; tro và cát thải lò hơi sau khi đốt dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung;
Bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; hơi nước được tái sử dụng cho tháp giải nhiệt; nước thải được xử lý và tái sử dụng cho sản xuất và chất lượng nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A.
Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, LaVie, Nestle, Nutifood… với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030.
Ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, TN&MT (Bộ TN&MT) cho biết: “Không giống như nền kinh tế tuyến tính truyền thống theo mô hình “lấy, sản xuất, thải bỏ”, nền kinh tế tuần hoàn nhấn mạnh đến hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chất thải và việc sử dụng nguyên vật liệu liên tục. Do đó, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ tăng khả năng xử lý chất thải để tái sử dụng thay vì đốt, chôn lấp như hiện nay”.
Theo ông Dung, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Dự thảo kế hoạch cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như:
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân người dân (kg/người/ngày) giảm dần theo các năm; tỷ lệ rác thải hữu cơ được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn; tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đạt trên 70%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10 - 15% so với năm 2020…
Theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi năm trên trái đất sẽ có khoảng 11 tỷ tấn chất thải rắn được tạo ra, đóng góp khoảng 5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (50 - 70%), là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, việc tái chế còn giúp chúng ta thu hồi các loại nguyên liệu như: Nhựa, giấy, kim loại... tránh lãng phí tài nguyên, ngăn ngừa được sự ô nhiễm. |
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 87