
Tăng cường công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, thực hiện bình đẳng giới ở TP.Hà Nội. Ảnh: KT
Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm
Trong những năm qua, TP luôn quan tâm, tạo điều kiện thực hiện các giải pháp tích cực góp phần từng bước giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế và lao động, việc làm, như: tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại cơ sở, giúp người dân dễ tiếp cận với cơ hội tìm kiếm việc làm, đặc biệt là đối với phụ nữ; thực hiện chính sách hỗ trợ công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn; ưu đãi đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ...
Sở LĐTBXH đã phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP hỗ trợ vay vốn, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh cho phụ nữ, tạo điều kiện để chị em phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Hỗ trợ lao động nữ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập thông qua tổ chức các hội chợ việc làm, hoạt động của sàn giao dịch việc làm và giới thiệu việc làm tại chỗ; điểm giao dịch việc làm; duy trì mở các phiên giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng lao động kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Hàng năm, UBND các quận, huyện, thị xã được giao chỉ tiêu phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho con em và phụ nữ (500 người/đơn vị/năm). Từ năm 2007-2016, toàn TP, số lao động được tạo việc làm là 1.492.974 người, trong đó, số lao động nữ là 627.050 người, đạt tỷ lệ 42%. Các đơn vị có số lao động nữ được tạo việc làm mới trong năm 2016 đạt tỷ lệ cao như các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, huyện Thường Tín.
TP còn chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ về kiến thức quản lý doanh nghiệp, nguồn vốn, tìm kiếm thị trường, kết nối kinh doanh. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm mới cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Hỗ trợ giải quyết việc làm cho phụ nữ qua kênh vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm, đảm bảo tỷ lệ vay vốn qua các tổ của Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm hơn 50% số vốn cho vay. Thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nữ Thủ đô, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm mục đích hỗ trợ nữ doanh nghiệp Hà Nội tăng cường khả năng kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế Thủ đô. Năm 2016, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là 30%.
Tăng cường công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn. UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn từ nguồn kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn TP. Từ 2007 - 2016, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 1.401.797 lượt người, trong đó, nữ lao động nông thôn chiếm tỷ lệ 61,7%. Các đơn vị có tỷ lệ nữ nông thôn được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật năm 2016 đạt cao như: huyện Thường Tín, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Tính đến 30/6/2017, toàn TP có 376 cơ sở dạy nghề, trong đó có 126 cơ sở dạy nghề công lập, 250 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng tổ chức nhiều lớp học nghề cho chị em có hiệu quả, chất lượng cao, nhiều học viên sau các khóa học đã tìm được việc làm ổn định cuộc sống, một trong những trung tâm, trường đào tạo đó là Trung tâm Dịch vụ việc làm 20/10, Trường Dạy nghề Hoa Sữa hàng năm thu hút được hàng nghìn lượt chị em tham gia.
Hà Nội còn triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả giảm hộ nghèo, đặc biệt quan tâm hộ nghèo do nữ làm chủ, như: hỗ trợ vốn vay ưu đãi, dạy nghề miễn giảm phí, tạo việc làm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế; khám chữa bệnh miễn phí; miễn giảm học phí, cấp sách vở, học bổng cho học sinh con hộ nghèo… Tính đến cuối năm 2016, toàn TP giảm được 25.037 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 xuống còn 2,27% (theo chuẩn nghèo Hà Nội) trong đó, hộ nghèo do nữ làm chủ là 24.815 chiếm 55,87% trên tổng số hộ nghèo.

Khám sức khỏe cho lao động nữ ở Thủ đô. Ảnh: KT
Bình đẳng giới trong lĩnh vực Y tế
Hà Nội đã chỉ đạo ngành Y tế tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác BĐG như: chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhằm từng bước cải thiện tình trạng sức khỏe của phụ nữ, nam giới và trẻ em; mạng lưới khám chữa bệnh được đầu tư đến tận các cơ sở xã, phường, thị trấn; các bệnh viện tuyến huyện được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, mọi người bệnh đều được hưởng chế độ khám chữa bệnh của ngành y tế; công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng luôn được ngành Y tế quan tâm thực hiện, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, trẻ em...
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TP đã giao cho Thành hội Phụ nữ chủ trì triển khai thực hiện dự án “Tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố”, qua 3 giai đoạn, tư vấn và khám tầm soát cho 127.828 phụ nữ từ 35-60 tuổi.
Sở Y tế chủ động phối hợp các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức triển khai truyền thông giáo dục về mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy cho thế hệ tương lai; tuyên truyền cho Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ cơ sở, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp và người dân về hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh. Tính đến cuối năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ y tế là 98%, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con lên 40%; 99% phụ nữ có thai được tiêm vắc xin phòng uốn ván; số phụ nữ có thai được quản lý thai nghén đạt tỷ lệ 99,9%; số bà mẹ được khám thai trên 3 lần trong 3 thời kỳ đạt tỷ lệ 95,2%...
Thực hiện BĐG, các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Hà Nội luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nữ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho nữ giới, thực hiện chính sách bảo hiểm thai sản và an toàn lao động đối với phụ nữ.
PV/GĐTE