Những hạt sạn được chỉ ra trong sách giáo khoa lớp 1 bộ Cánh Diều. Ảnh KT
Ý kiến phê phán, chỉ trích là có cơ sở
Xin được không nhắc lại những điều mà nhiều người cho là sai, là hỏng trong sách Tiếng Việt lớp 1 – bộ sách Cánh Diều. Ngoài những sai sót cụ thể ra, bộ sách này về tổng thể thiếu tính nhân văn, thiếu tính thẩm mỹ. Đây là chuyện đáng buồn nhưng chưa phải là chuyện đáng buồn lo nhất.
Cái đáng lo nhất, theo tôi là một số người có trách nhiệm trong việc soạn bộ sách giáo khoa này cho rằng, bộ sách giáo khoa mới này nhằm đánh thức năng lực của học sinh, ai chưa hiểu hết thì chớ vội phê phán. Họ nói, giáo viên phải làm quen, phải tập huấn rồi mới có thể dạy được loại sách này chứ không phải đơn giản.
Vậy là nguy rồi! Đến giáo viên còn khó hiểu thì học trò lớp 1 hiểu được hay sao? Tôi có cảm giác là những người có trách nhiệm cao nhất trong việc biên soạn sách giáo khoa cho chương trình cải cách giáo dục quá đề cao cái gọi là “đánh thức năng lực” của học sinh nên họ chỉ quan tâm tới những cái mới, hầu như không quan tâm tới việc kế thừa những thành tựu của người xưa. Nếu vậy, đây là sự chệch hướng trong cải cách giáo dục.
Tôi càng khẳng định điều này khi một trong những người tham gia soạn sách giáo khoa (ở các lớp trên) cho rằng, cánh trẻ bây giờ cảm nhận văn học theo cách khác. Trong truyện Tấm Cám thì chúng thích Cám; trong chuyện Lọ Lem thì quan điểm của chúng là quyết không cho Lọ Lem đi thử giày...
Không thể để xảy ra sự chệch hướng trong cải cách giáo dục
Có thể là có xu hướng “khác lạ” như vậy trong lớp trẻ khi các em tiếp xúc với truyện cổ tích, các tác phẩm văn học cổ điển. Song, chúng ta không nên cổ vũ xu hướng này. Nếu đưa những tác phẩm có hơi hướng cổ vũ xu hướng này là chệch hướng.
Dạy tiếng Việt cho trẻ em đương nhiên là phải dựa vào các tác phẩm văn học của Việt Nam và thế giới. Mục đích chính là dạy như thế nào đó để cho các em biết sử dụng tiếng Việt, yêu thích tiếng Việt. Tuy nhiên, những giá trị trong nội dung tư tưởng của các tác phẩm cũng phải được tính đến. Các em cần được giáo dục tính nhân văn, nhân đạo từ bé để hướng tới những điều cha ông ta tổng kết trong ba chữ Chân - Thiện - Mỹ.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 rõ ràng là có vấn đề. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu phải thẩm định lại. Chính phủ cũng đã quan tâm tới việc này và chỉ đạo phải xem xét lại một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những ai? Hội đồng nào được giao nhiệm vụ thẩm định lại?
Nếu vẫn là những người cũ, làm theo lối cũ thì những sai sót sẽ bị xem nhẹ, được lờ đi, hoặc ngụy biện theo hướng tốt đẹp. Nếu điều này xảy ra, nguy cơ chệch hướng trong cải cách giáo dục là có thật.
Nghè Nghệ/TC GĐ&TE