Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ LĐ-TB&XH có 23 đơn vị trực thuộc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo Nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 23 đơn vị trực thuộc. Trong đó, đổi tên Tổng cục Dạy nghề thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và thêm một cục mới là Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.

 

Theo đó, 23 đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Thanh tra; Văn phòng; Cục Việc làm; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Quản lý Lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động; Cục Người có công; Cục Trẻ em; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Trung tâm Thông tin; Tạp chí Lao động và Xã hội; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Báo Lao động và Xã hội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.

Trụ sở Bộ LĐ-TB&XH

Nghị định quy định Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Trong lĩnh vực lao động, tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công; hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương tối thiểu, định mức lao động, thang lương, bảng lương...

Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm), Bộ LĐ-TB&XH ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; quy chế tuyển sinh đào tạo; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp...

Đối với lĩnh vực người có công, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; quy định chế độ, định mức, phương thức trang cấp dụng cụ chỉnh hình và phương tiện trợ giúp cho người có công với cách mạng...