Giải trình trước Quốc hội sáng 1/11 về vấn đề quản lý thị trường, đặc biệt là tình hình buôn lậu nói chung, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá nói riêng ngày càng gia tăng với rất nhiều điểm nóng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế Ban chỉ đạo 389 đã có hàng loạt các biện pháp khắc phục tồn tại, tăng cường hoạt động và phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm 2017, việc buôn lậu ở các “điểm nóng” như Long An, An Giang đã giảm, có nhiều sự tiến bộ trong đấu tranh chống buôn lậu nhất là thuốc lá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận đúng là có thực trạng nhờn pháp luật, lợi ích cao trong buôn lậu nên các hành vi buôn lậu tổ chức tinh vi, có hệ thống và không giới hạn trong phạm vi một địa phương như trước. Nguyên nhân là do "chính sách chưa đủ mạnh, chế tài xử lý chưa nghiêm".
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, có sự đứt khúc trong điều hành, quản lý và sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra liên ngành như công an, quản lý thị trường... khiến hiệu lực, hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu yếu. Chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng chuyên ngành vẫn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu…
Về giải pháp, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, phải có quan điểm đồng bộ thống nhất trong việc phòng chống buôn lậu. Mới đây, Chính phủ đã rất quyết liệt trong vấn đề này và Thủ tướng đã quyết định “các lô hàng thuốc lá nhập lậu khi tịch thu phải tiêu huỷ chứ không được tái xuất”. Ngoài ra, buôn lậu hơn 1.500 điếu thuốc lá nếu bị bắt giữ sẽ truy trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật của các lực lượng chống buôn lậu khi thực tế hiện nay yếu kém so với yêu cầu. "Trong thời gian tới, việc cho phép thành lập Tổng cục Quản lý thị trường theo ngạch dọc để thực hiện quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ Công Thương sẽ có cơ sở để đấu tranh hơn hiện tại", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm.
Giải trình về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang "đắp chiếu" của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016 - 2017 Chính phủ lập Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ; năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý; năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để.
“Việc xử lý các dự án này phức tạp vì qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Chúng tôi phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.