Trước đó tại phiên họp trực tuyến chiều ngày 21/5 Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với quy định của dự án Luật về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn quy định về đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, đề nghị quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện đối với đơn vị sự nghiệp công khi hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hiệp định về di chuyển thể nhân trong ASEAN. Đề nghị rà soát nội dung các quy định của dự thảo Luật để thống nhất việc quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hợp pháp có mục đích rõ ràng là lao động không nhầm lẫn với việc đi du lịch, đi học tập rồi ở lại làm việc, lao động hay lao động bất hợp pháp… gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân.
Báo cáo giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, sau 12 năm thi hành của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Luật số 72) đã góp phần khẳng định Luật đã từng bước đi vào cuộc sống và đem lại những hiệu quả rất thiết thực. Đặc biệt, hàng năm có khoảng hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc cho nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Hiện nay cả nước là 580.000 đang lao động ở nước ngoài và lao động Việt Nam đang tham gia vào thị trường của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Lĩnh vực này thời gian qua cũng được quan tâm chỉ đạo và phát triển tương đối nhanh.
Tuy nhiên thực tiễn vừa qua có nhiều vấn đề khó khăn song cũng đã tháo gỡ, đặc biệt là liên quan đến các thị trường lao động. Theo đó, thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì với 3 thị trường lớn là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản; đồng thời mở ra số thị trường mới như Đức, Rumani, Ba Lan và Hungary.
Bộ trưởng Bộ Đào Ngọc Dung chia sẻ, một số hạn chế đầu nhiệm kỳ đã rất lưu ý, đó là tình trạng lao động bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp, nhất là khu vực Hàn Quốc cao. Để giải quyết được vấn đề này phía Việt Nam nhiều giải pháp khác nhau, kể cả phía ta và phía đối tác. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hiện tượng khó khăn, thách thức, thậm chí yếu kém ở lĩnh vực này, nhất là tình trạng môi giới bất hợp pháp, tình trạng trốn ở lại vi phạm hợp đồng, thông qua nhiều trường hợp làm xấu đi hình ảnh của đất nước.
Trước tình hình đó, vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng với các địa phương cũng chấn chỉnh rất nhiều. Bộ đã xem xét xử phạt tới 118 doanh nghiệp khác nhau trong tổng số 459 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Về các nội dung của Luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, luật này quy định rất rõ là không có sự tham gia của nước ngoài đóng góp cổ phần, góp vốn sở hữu cũng như đứng tên tư cách pháp nhân trong lĩnh vực này.
Về các hình thức người Việt Nam đi lao động nước ngoài là một phần của phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Luật hiện hành thì quy định 4 hình thức gồm: Một là là lao động đi thông qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hai là, đi qua doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu nhận công trình. Ba là đi thông qua doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài. Bốn là đi theo hợp đồng lao động tự do của người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng; lực lượng lao động tự do này trước khi đi thì đăng ký thông qua cơ quan quản lý lao động ở địa phương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng làm rõ, hình thức hợp đồng lao động tự do khác với việc đi lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ. Việc đi lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ đang làm thí điểm mà chủ yếu địa bàn Australia, năm 2020 là 1.500 trường hợp đi, nhưng tất cả những trường hợp này trước khi đi đều đăng ký qua cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau khi được Đại sứ quán Australia nhất trí thì sang du lịch mới được lao động, do đó hình thức này hoàn toàn khác với hình thức tự tìm kiếm việc làm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm còn loại hình thứ năm khi mà cách đây khoảng 2 năm, xuất hiện hình thức giữa các địa phương của Việt Nam, 1 tỉnh Việt Nam với 1 địa phương của một tỉnh khác ở một nước khác hợp tác lao động với nhau, hợp tác ngắn hạn là 3 - 4 tháng, đưa lực lượng lao động cả xã sang đó lao động và hết thời vụ sẽ lại trở về. Do đó dự thảo Luật lần này quy định thêm hình thức thứ năm là lao động ngắn hạn. Đối với hình thức này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký kết theo điều ước và hợp tác về lao động, khi đó sẽ có đơn vị sự nghiệp chính là Trung tâm lao động trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Trung tâm lao động trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đứng ra tổ chức hoạt động này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đơn vị này không phải là một pháp nhân mới mà chỉ giúp cho Ủy ban nhân dân thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và đưa người lao động sang làm việc ở nước ngoài. Đơn vị này tương đương như một đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành đã được cho phép ở Luật số 72.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng làm rõ Luật này chỉ điều chỉnh quan hệ lao động theo hợp đồng, ngoài 5 loại hình do Luật định thì không phải lao động do luật này chi phối ví dụ như lao động đi theo con đường bất hợp pháp, lao động không có hợp đồng lao động, di cư tự do, đi theo lao động đường biên hay trường hợp đi du lịch hoặc thăm thân một cách bình thường sau đó tìm cách ở lại lao động; và trường hợp, lao động dịch chuyển, lao động tự do, nói cách khác là di chuyển thể nhân theo hợp đồng ngoại khối và nội khối theo Tuyên bố Cấp cao ASEAN.
Về Quỹ hỗ trợ làm việc, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thực tế hoạt động của Quỹ vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng thời gian vừa qua hoạt động của Quỹ đã có đóng góp rất quan trọng trong hình thành và phát triển thị trường cũng như bảo vệ người lao động, nhất là những trường hợp tai nạn rủi ro ở nước ngoài, kể cả lao động đang trong hợp đồng vẫn được bảo vệ và không dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Quốc hội cho phép duy trì quỹ này, đồng thời mở rộng hơn phạm vi, đối tượng được sử dụng và lưu ý quỹ này chỉ thành lập ở trung ương, không làm tăng bộ máy, biên chế.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung như về các chính sách để nghiên cứu tiếp thu chính sách đối với người lao động sau khi lao động nước ngoài về để tiếp tục được lao động và phát huy vai trò của mình; về thời hạn giấy phép; về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập doanh nghiệp…Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Theo Molisa