Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước

(Dân sinh) - Phát triển thị trường lao động của vùng đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, bên cạnh (hai xu hướng đầu tiên là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay), ông cho rằng cần lưu ý chuyển đổi thứ ba là chuyển đổi nhân lực, mà trong đó “chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Sáng nay 12/2, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".

Chương trình hành động này vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 8/2/2023. Như vậy, rất nhanh chóng và quyết liệt, chỉ sau 4 ngày ban hành Chương trình hành động, Chính phủ đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện, nhằm sớm đưa Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển đột phá.

Cơ cấu lao động chuyển dịch rất nhanh

Tại Hội nghị, Thủ tướng và các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng có quy mô lao động lớn nhất trong sáu vùng kinh tế với tổng lực lượng lao động là 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước năm 2021. 

Thời gian qua, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng từ 38,8% lên 60,53%; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 37,68% năm 2011 còn gần 13,55% năm 2021, cho thấy cơ cấu lao động chuyển dịch rất nhanh.

“Trong những năm qua, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng (riêng khu vực Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tới 33% số dự án và trên 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) đã góp phần phát triển doanh nghiệp và tạo thêm hàng chục vạn việc làm cho người lao động trong vùng và các vùng lân cận, hình thành thị trường lao động có bước phát triển nhanh, tiếp cận theo hướng hiện đại, hội nhập”, ông Dung thông tin.

Tuy nhiên, có một số bất cập như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động của vùng, mặc dù cao nhất trong 6 vùng của cả nước, nhưng còn hạn chế và bất hợp lý về cơ cấu trình độ đào tạo.

Ông đơn cử như năm 2021, vẫn còn trên 63% lực lượng lao động chưa qua đào tạo hay không có bằng cấp/chứng chỉ; Trong 10 năm qua, cơ cấu lao động, cơ cấu việc làm của vùng chuyển dịch nhanh, song chưa bền vững, chất lượng việc làm còn thấp và tính dễ bị tổn thương của việc làm còn cao;

Cùng với đó, cầu việc làm kỹ năng cao còn hạn chế do trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh của nước ta chủ yếu ở mức trung bình và thấp.

Ngoài ra, vấn đề di cư lao động cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù từ 2014 đến nay vùng đã có tỷ suất di cư thuần dương (nhập cư cao hơn xuất cư, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua đã xuất hiện một số bất cập trong việc dịch chuyển này.

 Chuyển dịch cơ cấu lao động của Vùng cần theo chiều sâu

Dự báo thách thức thời gian tới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dug, ngoài các thách thức chung, hiện nay nổi lên một số vấn đề liên quan đến Vùng như tình trạng già hóa dân số.

“Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đến năm 2038 sẽ có khoảng 20% là người già. Điều này đặt ra thách thức rất lớn trong vấn đề lực lượng lao động, an sinh xã hội, chăm sóc người lớn tuổi…”, Bộ trưởng Dung cho hay.

Tiếp đến là thay đổi thế giới việc làm, đặc biệt là di cư, di biến động, việc làm chất lượng cao và thỏa đáng, đặc biệt là tiền công.

Thêm nữa, biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ đến Vùng đồng bằng sông Hồng, đe dọa trực tiếp sinh kế của người dân, nhất là khu vực nông thôn, khu vực dễ tổn thương.

Và tỷ lệ việc làm trong khu vực phi chính thức còn cao, phần đông lao động đang đảm nhận công việc dễ tổn thương. Điều này gây thách thức thu nhập, năng suất lao động, khả năng tiếp cận thị trường…

Từ những phân tích trên, ông Dung nhìn nhận, trong giai đoạn 2021-2030, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Vùng cần theo chiều sâu, trong đó tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Từ đó, theo Lãnh đạo Bộ Lao động – TB&XH, việc phát triển thị trường lao động gắn kết nhu cầu lao động của Vùng trong thời gian tới, được xác định là nhiệm vụ căn cơ để phát triển việc làm thỏa đáng cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động và tạo lợi thế cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của vùng.

Do đó, muốn phát triển thị trường lao động của Vùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, cần tiếp tục củng cố và đẩy nhanh liên thông hệ thống hạ tầng cơ sở, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Bên cạnh (hai xu hướng đầu tiên là) xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiện nay, ông cho rằng cần lưu ý chuyển đổi thứ ba là chuyển đổi nhân lực, mà trong đó “chuyển đổi nhân lực phải đi trước một bước”.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị: Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những lĩnh vực kinh tế tri thức, dịch vụ, công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, những ngành nghề tiên phong.

Thứ hai, hiện đại hóa, phát triển dịch vụ việc làm của Vùng đồng bằng sông Hồng, tăng cường kết nối, liên thông với thị trường lao động các vùng trên cả nước, các nước phát triển.

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết thông qua việc chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn nhân lực, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Thứ tư, chính quyền các địa phương của vùng cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp đi đôi với cải thiện việc làm cho người lao động, có hệ thống an sinh xã hội bền vững.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong Chương trình hành động, Chính phủ đưa ra các chỉ tiêu cụ thể phát triển Vùng đến năm 2030.

Cụ thể, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP Vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm.

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt hơn 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.