Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban An toàn tiêm chủng Bộ Y tế, đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khỏe, tính mạng của mỗi con người. Để đảm bảo công tác tiêm chủng, ngành Y tế phải nỗ lực từng khâu: từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).
Do đó, các cán bộ y tế phải thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn, quan tâm đến công tác xử trí, cấp cứu, đảm bảo tiêm mũi nào, an toàn mũi tiêm ấy.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng ban An toàn tiêm chủng của Bộ Y tế đưa ra bài toán: Để đạt được miễn dịch cộng đồng, phải tiêm trên 75% dân số, 100 triệu dân tại Việt Nam phải thực hiện 70-75 triệu người, tương đương với 150 triệu mũi tiêm an toàn.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong thời gian qua đã ghi nhận một số phản ứng bất lợi tại một số địa phương và so với thế giới tỷ lệ tai biến tiêm chủng của Việt Nam ở mức thấp, nhưng không được phép chủ quan.
“Ai cũng có thể tiêm được nhưng xử trí cấp cứu chỉ có bác sỹ xử trí được”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. Hiện hệ thống khám chữa bệnh có 1400 BV công, hơn 300 BV ngoài công lập, 30 phòng khám ngoài công lập, 11.000 trạm y tê, bên cạnh đó hệ thống y tế ngành, Y tế công an, Y tế quân đội cũng phải tham gia vào chiến dịch tiêm chủng này.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cán bộ y tế phải khám sàng lọc trước, kiểm tra sức khỏe trước những người được tiêm, tại khu dân cư, công nghiệp, nhà máy... để mỗi mũi tiêm thực hiện đều đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro.
Tại buổi tập huấn, các điểm cầu còn được nghe bài về xử trí cấp cứu sau tiêm chủng, hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế và bài hướng dẫn về điều trị huyết khối….