Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Bức tranh nghề Travel Blogger tại Việt Nam

(Dân sinh) - Kỷ nguyên 4.0 đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong đời sống, đặc biệt có những tác động không nhỏ đến sự chuyển dịch của các ngành nghề trong xã hội, cùng với đó là sự ra đời của những nghề nghiệp hoàn toàn mới.

Travel Blogger - Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0 có sự tham gia của các cây viết đến từ những lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung niềm đam mê "xê dịch", họ đã có nhiều năm gắn bó, trực tiếp trải nghiệm những buồn vui của nghề Travel Blogger. Đó là kiến trúc sư Bùi Việt Hà - Travel Blogger Hà Là Lạ, phóng viên - Graphic Designer - Travel Blogger Nam Kha, Travel Blogger Vinh Gấu làm việc trong lĩnh vực truyền thông, Associate Creative Lead - Travel Blogger Lý Thành Cơ, Photographer Đức Trần kiêm quản lí tiệm trà, Quân Đoàn với vai trò quản lý nhân quyền trong chuỗi cung cứng (nhóm Travel Blogger Wanderful Dreamers - Thích đi lạc). Bằng tình yêu bất tận dành cho những cung đường, họ đã mang đến những màu sắc mới mẻ, không nhòe lẫn cho bức tranh nghề Travel Blogger tại Việt Nam.

Bức tranh nghề Travel Blogger tại Việt Nam - Ảnh 1.

Sách "Travel Blogger – Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0" do chính các Travel Blogger chấp bút

Từ khoá "Travel Blogger" gồm hai vế: travel là "đi du lịch" và blogger là "người viết blog". Như vậy, Travel Blogger có thể hiểu một cách khái quát là những người có niềm đam mê du lịch, khám phá thế giới, chia sẻ những trải nghiệm chân thực mà mình có thông qua "blog" - các kênh mạng xã hội, dưới dạng các bài viết review, bộ ảnh hoặc video chia sẻ.

Bức tranh nghề Travel Blogger tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nghề Travel Blogger xuất hiện ở Việt Nam gắn với sự phát triển của blog Yahoo 360độ  Wordpress, và sau này là Facebook, Instagram, Youtube. Một số Travel Blogger nổi bật của thời kì đầu có thể kể đến như: Ngô Thị Giáng Uyên, Huyền Chip, Quỷ Cốc Tử (Ngô Trần Hải An), Nguyễn Phương Mai, Nhị Đặng, Trần Đặng Đăng Khoa... và sau này là các Travel Vlogger (sử dụng hình thức nhật kí video) như Đinh Võ Hoài Phương với kênh Khoai Lang Thang, Lê Hoàng Nam với kênh Challenge Me - Hãy thách thức tôi, Hoàng Minh Tuấn với kênh Chan La Cà...

Bức tranh nghề Travel Blogger tại Việt Nam - Ảnh 3.

Chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch khắp năm châu bốn bể, check-in tại những điểm du lịch xa hoa, đắt đỏ của thế giới, "ở sang - ăn ngon", có thu nhập cao với hàng trăm ngàn người theo dõi. Đó là vẻ ngoài hào nhoáng của nghề Travel Blogger mà nhiều người lầm tưởng, nhưng thực tế 70% sự thật còn nằm dưới tảng băng chìm.

Những bài viết trong cuốn sách "Travel Blogger – Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0" do chính tay các Travel Blogger chấp bút giúp bạn đọc có cái nhìn cận cảnh hơn về nghề nghiệp còn mới mẻ này, với những câu chuyện còn ít người biết về khó khăn, thử thách của người làm nghề. Qua những hình dung hết sức cụ thể về hành trình gắn bó với nghề của những Travel Blogger kì cựu, bạn đọc trẻ sẽ thu lượm thêm kiến thức và chuẩn bị cho mình tâm thế cần có nếu muốn thử sức trong lĩnh vực này.

Travel Blogger trước hết là những người viết, những "phóng viên tự do" bằng đôi mắt tinh tế và trái tim giàu xúc cảm, đã truyền tải hết sức thú vị về những chuyến đi và hành trình trải nghiệm, khám phá của bản thân mình. Travel Blogger đã thực sự trở thành một nghề nghiệp hấp dẫn, với thu nhập đáng nể, có tầm phủ sóng mạnh mẽ đối với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nghề Travel Blogger ra đời trong thời đại số, ứng dụng tối đa các thế mạnh công nghệ để lan tỏa sức ảnh hưởng với xã hội. Không chỉ là những bài viết review, chia sẻ cảm nhận đơn thuần, các Travel Blogger trong thời đại 4.0 buộc phải "nâng cấp" sản phẩm của mình với những bộ ảnh, thước phim có tính nghệ thuật cao, thể hiện dấu ấn riêng đặc sắc. Là một ngành sáng tạo, để thành công trong nghề, các Travel Blogger không chỉ cần rèn luyện nhiều kĩ năng (đọc - viết - chụp ảnh - quay phim - chỉnh sửa hình ảnh) mà thường xuyên phải đổi mới ý tưởng, tiếp cận những chủ đề độc - lạ để khẳng định phong cách riêng, đòi hỏi sức bền để theo đuổi nghề.

Tuy nhiên, các tác giả cũng khẳng định rằng bất cứ ai có đam mê đều sẽ theo đuổi được nghề Travel Blogger. Cuốn sách được thiết kế gồm 4 chương nội dung giúp các bạn trẻ có thể "nhập môn" nghề Travel Blogger một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Chương 1 tập trung giải thích các khái niệm, sự ra đời của nghề Travel Blogger tại Việt Nam, những hiểu lầm thường gặp, xu hướng phát triển. Chương 2 hé lộ những bí mật hậu trường ít người biết của nghề Travel Blogger qua góc nhìn và trải nghiệm của chính các tác giả. Chương 3 và 4 đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, hữu ích, giúp bạn đọc có thêm kiến thức, kĩ năng để có thể xây dựng kế hoạch trở thành một Travel Blogger trong tương lai.

Theo Nhà xuất bản Kim Đồng, bộ sách Travel Blogger – Vén màn hậu trường của những bước chân 4.0 sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về những ngành nghề mới của thời đại 4.0, từ đó có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho con đường tương lai, hiểu nghề để làm nghề một cách thuận lợi. Bộ sách sẽ tiếp tục ra mắt các cuốn tiếp theo về các nghề như Freelance Writer, Food Stylist, Freelance Coach & Trainer… trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia dự báo, ngành du lịch là ngành sẽ có nhiều khởi sắc nhất ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn. Bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách để trang bị cho mình những kiến thức và hành trang cần có, chuẩn bị cho những chuyến đi xa trên hành trình trở thành một Travel Blogger thực thụ, ngay sau khi đại dịch kết thúc.