Năm 2024, thế giới tương đối yên bình so với các năm trước. Đại dịch Covid-19 đã trở thành quá khứ. Không xung đột lớn nào nổ ra như giữa Nga và Ukraine năm 2022 hay Israel và Hamas năm 2023. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi sau đại dịch và lạm phát.
Tuy nhiên, các điểm nóng vẫn tiếp tục âm ỉ. Các cuộc bầu cử, đặc biệt là tại Mỹ, mang tới nhà lãnh đạo mới với niềm hy vọng mới nhưng cũng khiến tương lai thêm phần khó đoán. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tiếp tục khiến thiên tai thêm gay gắt, gây thiệt hại cho nhân loại cả về người và của.
Xung đột và thiên tai

2024 lại là một năm mà tiếng súng vẫn rền vang khắp địa cầu. Hôm 19/11, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cán mốc 1.000 ngày. Trái với những dự đoán ban đầu về một cuộc chiến diễn ra nhanh chóng, hai nước đã rơi vào thế giằng co với không nhiều diễn biến đột phá trên thực địa.
Diễn biến đáng chú ý nhất có lẽ là cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga, phần lớn diễn ra ở tỉnh Kursk. Bất chấp chiến dịch phản công của Nga, quân đội Ukraine vẫn đang kiểm soát một phần lãnh thổ đối phương.
Tại Trung Đông, Israel đẩy mạnh tấn công dải Gaza để đáp trả vụ đột kích của Hamas nhằm vào lãnh thổ nước này hồi tháng 10/2023. Tính đến cuối tháng 9, khoảng 66% tổng số công trình tại Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại, theo phân tích của Trung tâm Vệ tinh Liên hợp quốc (UNOSAT).
Cuộc xung đột không chỉ giới hạn ở dải Gaza mà còn lan ra nhiều quốc gia khác. Với lý do đáp trả Israel và đồng minh, lực lượng Houthi tại Yemen đã tấn công hàng loạt tàu bè qua biển Đỏ, khiến chi phí và thời gian vận tải bằng tàu biển tăng vọt.
Tại Myanmar, các lực lượng vũ trang sắc tộc đã giành thêm nhiều thị trấn và vị trí chiến lược từ tay lực lượng quân đội trong năm qua. Đáng chú ý là chiến dịch kéo dài từ đầu tháng 7 tới đầu tháng 8 giành quyền kiểm soát Lashio, thành phố lớn thứ hai bang Shan.
Theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Armed Conflict Location and Event Data (ACLED), số lượng người thiệt mạng do xung đột trong năm 2024 đã tăng khoảng 30% so với năm 2023, lên hơn 230 nghìn người. Trong đó, cuộc xung đột tại Ukraine gây tổn thất nhiều nhất - khoảng 67 nghìn người.
Bên cạnh đó, thế giới tiếp tục phải gánh chịu hậu quả thiên tai trên khắp các châu lục. Ở châu Á, siêu bão Yagi khiến hơn 800 người thiệt mạng tại Philippines, Trung Quốc, Myanmar và một số quốc gia láng giềng.
Phía bên kia địa cầu, siêu bão Helene càn quét nước Mỹ hồi cuối tháng 9 cũng khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đây là cơn bão chết chóc nhất đối với nước Mỹ kể từ siêu bão Katrina năm 2005.
Ngay cả một số khu vực hiếm khi đối mặt với thiên tai cũng hứng chịu hậu quả nặng nề. Cuối tháng 10, một trận lũ quét kinh hoàng càn quét hàng loạt khu vực ở miền đông Tây Ban Nha khiến 231 người thiệt mạng. Đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha trong hàng thập niên.
Giới khoa học chỉ ra tình trạng biến đổi khí hậu khiến thiên tai nghiêm trọng hơn. Ví dụ, nhóm nghiên cứu World Weather Attribution chỉ ra những cơn bão có cường độ như Helene giờ đây sẽ xảy ra với tần suất khoảng 53 năm/lần, thay vì 130 năm/lần như thời kỳ tiền công nghiệp. Sức gió của bão Helene đã mạnh hơn 11% và lượng mưa tăng 10% do biến đổi khí hậu.
Năm 2024 cũng là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt qua mức 1,5 độ C, cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp. Đây được coi là cột mốc đáng báo động, đẩy nhân loại tới gần hơn ngưỡng không thể phục hồi.
Triển vọng ngừng bắn

Cuộc nội chiến tại Syria bước vào giai đoạn mới khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad nhanh chóng bị đánh bại trước cuộc tấn công vũ bão của lực lượng đối lập chỉ trong chưa đầy 2 tuần.
Lực lượng nổi dậy tiến xa hàng trăm cây số, kiểm soát hàng loạt thành phố từ Aleppo, Hama, Homs tới thủ đô Damascus. Chính phủ lâm thời mới đã được thiết lập và đi vào hoạt động. Hòa bình vẫn còn mong manh bởi thực tế, phe nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng người Kurd đã chạm súng.
Tại nước láng giềng Li Băng, lực lượng Hezbollah cũng đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Israel sau khi hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của tổ chức này bị ám sát sau nhiều tháng xung đột.
Triển vọng về một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas được cho cũng đang trong tầm tay nếu hai bên có thể giải quyết các vấn đề then chốt cuối cùng như khả năng Israel rút binh sĩ khỏi dải Gaza hay thỏa thuận trao đổi con tin bị Hamas bắt giữ và tù nhân người Palestine trong các nhà tù của Israel.
Trong khi đó, nền kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi sau thời gian chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến khoảng 3,2%, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
“Kinh tế thế giới năm 2024 tốt hơn so với quan ngại trước đó của nhiều người”, ông Brahima S. Coulibaly, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Chương trình Kinh tế và Phát triển toàn cầu tại Viện Brookings (Mỹ) nhận xét.
“Tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định trở lại vào năm nay. Kịch bản “hạ cánh mềm” đã hiện rõ. Tỷ lệ lạm phát giảm giúp các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện tài chính và giảm áp lực cho các gia đình, doanh nghiệp và quốc gia đang phải vất vả trả nợ”.
Triển vọng năm 2025
Bước sang năm 2025, tình hình thế giới được dự đoán tiếp tục biến động. Tại Mỹ, không ai biết chắc Tổng thống Donald Trump sẽ mang lại thêm bất ngờ gì trong nhiệm kỳ thứ hai. Ngay từ trước khi nhậm chức, ông Trump đã đưa ra hàng loạt tuyên bố khẳng định sẽ đảo ngược các chính sách của chính quyền Biden về nhập cư hay khí hậu.
Về đối ngoại, ông Trump cảnh báo áp thuế 25% lên mọi hàng hóa của hai nước láng giềng Canada và Mexico, cũng như tăng thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông cũng tuyên bố sẽ cắt giảm các khoản viện trợ quân sự dành cho Ukraine - vốn có ý nghĩa quan trọng với Kiev trong cuộc xung đột với Moscow. Các trợ lý của ông Trump cũng đã hé lộ ý định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngay ngày đầu tân tổng thống nhậm chức.
“Nước Mỹ sẽ để lại khoảng trống lớn về lãnh đạo và tài chính với nền y tế toàn cầu. Khó có ai lấp đầy được khoảng trống này”, ông Lawrence Gostin, giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định về khả năng Mỹ rút khỏi WHO.
Tại Hàn Quốc, sau cuộc khủng hoảng vừa qua, nền chính trị thượng tầng vẫn chưa ổn định. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình thụ lý vụ án luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol. Nếu Tòa án ra phán quyết là có tội, ông Yoon sẽ là tổng thống thứ hai bị phế truất trong lịch sử Hàn Quốc sau bà Park Geun-hye.
Kinh tế thế giới được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong năm 2025, đạt mức 3,3%, theo OECD. “Nền kinh tế thế giới đã chứng minh khả năng phục hồi. Tỷ lệ lạm phát sụt giảm về mức mong muốn của các ngân hàng trung ương, trong khi tăng trưởng vẫn giữ mức ổn định”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nhận xét.
Các cuộc xung đột sẽ không dễ giải quyết ngay trong năm nay nhưng vẫn có những tia hy vọng đang lóe lên.
Tại Ukraine, bất chấp một số động thái mang tính nhượng bộ của các bên, đặc biệt là lần đầu tiên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ám chỉ khả năng cuộc xung đột kết thúc mà Ukraine không giành lại được toàn bộ lãnh thổ, quan điểm của hai bên vẫn còn cách biệt.
Tại Trung Đông, các mâu thuẫn cơ bản giữa các bên, nhất là giữa Israel và nguyện vọng của người Palestine vẫn tồn tại, dù tình hình có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Các loại xung đột đã lâu không xuất hiện, như đối với tài nguyên, có thể nổi lên trở lại”, báo cáo xu hướng toàn cầu 2025 của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ đánh giá. “Nhận thức về sự thiếu hụt năng lượng sẽ thúc đẩy các quốc gia hành động để đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng trong tương lai”.
Quốc Thủy (tổng hợp)
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ